Báo Đồng Nai điện tử
En

Trẻ em được đảm bảo quyền lợi

11:06, 04/06/2017

Luật Trẻ em (thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 với nhiều điểm mới bảo đảm quyền lợi cho trẻ em.

Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí; được chăm sóc sức khỏe; được học tập (ảnh minh họa).
Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí; được chăm sóc sức khỏe; được học tập (ảnh minh họa).

Luật Trẻ em (thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em) có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 với nhiều điểm mới bảo đảm quyền lợi cho trẻ em. Dịp  này, phóng viên Báo Đồng Nai  đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, xung quanh vấn đề này.

  Thưa bà, Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành góp phần tích cực như thế nào đối với công tác bảo vệ trẻ em hiện nay?

- Luật Trẻ em sửa đổi, bổ sung lần này với 7 chương, 106 điều, tăng 46 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước đây. Trong đó nhiều quy định mới có lợi cho trẻ em, bảo đảm tốt hơn quyền của trẻ.

Trước hết, các quyền trẻ em không chỉ giới hạn trong công dân Việt Nam mà bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được bảo trợ được mở rộng hơn từ 10 nhóm lên  thành 14 nhóm. Các nhóm quyền cơ bản của trẻ em, như: quyền sống, quyền được phát triển, các quyền được bảo vệ… được quan tâm phát triển toàn diện hơn; trẻ được hỗ trợ nhiều hơn, tốt hơn để  phát huy năng lực sẵn có của bản thân.

Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Trẻ em lần này là quy định rất cụ thể 3 cấp độ bảo vệ trẻ em, đó là: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Các biện pháp bảo vệ cũng được quy định một cách cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị sự cố.

 Đang có một số nội dung của luật khiến các bậc cha mẹ băn khoăn, như: quyền bất khả xâm phạm và đời sống riêng tư; pháp luật bảo vệ bí mật thư tín, điện thoại, internet; quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản… Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Khi đóng góp sửa đổi, bổ sung vào luật với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phù hợp với hoàn cảnh đất nước đổi mới… nhiều đại biểu cũng là những bậc cha mẹ tỏ ra ái ngại khi quy định những quyền trên cho trẻ em.

Nhiều ý kiến cho rằng, luật “làm khó” cha mẹ, nhất là thời buổi có rất nhiều cạm bẫy từ việc trẻ sử dụng internet không có chọn lọc. Hiện nay trẻ em làm quen rất sớm với internet, nhiều em “sống ảo” trên mạng, không hay chia sẻ, tâm sự với cha mẹ… Để hiểu con mình đang nghĩ gì, bạn bè là đối tượng nào, đang quan tâm đến vấn đề gì… cha mẹ phải thường xuyên theo dõi, giám sát con qua mạng xã hội… Chính nhờ việc theo dõi qua mạng mà nhiều phụ huynh đã ngăn chặn được những việc làm manh động, bồng bột, thiếu ý thức của con, thậm chí có người còn ngăn được việc con bị rủ rê sử dụng thuốc lắc, quan hệ tình dục, rủ nhau tự tử… Do đó theo cá nhân tôi, luật quy định như thế tuy hợp với quốc tế, nhưng chưa hợp với điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay.

Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí; được chăm sóc sức khỏe; được học tập (ảnh minh họa).
Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí; được chăm sóc sức khỏe; được học tập (ảnh minh họa).

Riêng về quyền được định đoạt tài sản riêng, trẻ em từ 9 đến 15 tuổi được tự ý sử dụng tài sản của riêng mình, như: tiền, tài sản thừa kế, cho, tặng… Tôn trọng quyết định của trẻ, nhưng quyền có giúp các trẻ tốt lên hay có thể gây tác động ngược khi bản thân các em chưa đủ chín chắn để suy nghĩ, để quyết định, thậm chí bị kẻ xấu rủ rê sử dụng tài sản vào những việc không chính đáng, như: chơi game, bài bạc… Tôi cho rằng luật đang tự mâu thuẫn khi quy định trẻ em là độ tuổi chưa đủ chín về hành vi năng lực, nhưng lại trao cho trẻ quyền quyết định tài sản như một người có đủ năng lực.

 Trong luật mới, các hình thức bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại (trong đó có xâm hại tình dục) có chi tiết và cụ thể hơn, trong đó quy định bắt buộc phải tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Theo bà, điu này đã đủ “nặng ký” để những vụ trẻ bị xâm hại bởi chính người thân của mình không bị “chìm xuồng”?

- Vấn đề xâm hại trẻ em, bao gồm xâm hại thân thể và xâm hại tình dục là những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều, bởi thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ trẻ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục bởi chính người thân của mình.

Lần này, luật quy định khá chi tiết quy trình, trách nhiệm, yêu cầu, biện pháp để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Luật quy định mọi công dân, cơ quan, tổ chức cá nhân đều phải tố cáo hành vi người gây tổn hại cho trẻ em hoặc tham gia xâm hại trẻ em. Đây là trách nhiệm tố cáo bắt buộc và phù hợp với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tôi cho rằng, lần này luật sẽ giúp giải quyết một cách cơ bản phòng ngừa nguy cơ xâm hại trẻ em, góp phần xử lý, ngăn chặn có hiệu quả hơn các hành vi xâm hại trẻ em.

 Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, ngành lao đng - thương binh và xã hội sẽ làm gì để Luật Trẻ em sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả?

- Luật được xây dựng với nhiều quy định cao hơn về quyền trẻ em. Đây là một tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với tập quán, trình độ phát triển của Việt Nam nên cần có lộ trình áp dụng phù hợp. Để thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, ngành đã xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển đổi sâu sắc nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ngay sau khi luật chính thức có hiệu lực, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Luật Trẻ em; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật Trẻ em cho người dân và trẻ em tham gia nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với công tác này; tổ chức tập huấn và xây dựng kế hoạch, chuyên đề để việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật được chi tiết và cụ thể hơn đến toàn thể cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục trẻ em cấp huyện, xã…

 Xin cảm ơn bà!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều