Nhiều hộ dân tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) do tin tưởng đội ngũ nhân viên xịt thuốc diệt côn trùng qua giấy giới thiệu của chính quyền địa phương cùng cán bộ ấp dẫn đường, nên không ngần ngại bỏ chi phí hàng trăm ngàn đồng phun thuốc quanh nhà…
Nhiều hộ dân tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) do tin tưởng đội ngũ nhân viên xịt thuốc diệt côn trùng qua giấy giới thiệu của chính quyền địa phương cùng cán bộ ấp dẫn đường, nên không ngần ngại bỏ chi phí hàng trăm ngàn đồng phun thuốc quanh nhà…
Đại đức Thích An Quang xem giấy giới thiệu do Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Có ký cấp cho “nhân viên” phun thuốc diệt côn trùng. |
Tuy nhiên, khi người dân yêu cầu cho biết tên thuốc hoặc xin lại vỏ chai thuốc thì nhân viên phun thuốc từ chối và không cung cấp thông tin rõ ràng. Thậm chí, khi nhận tiền của người dân thì những nhân viên này không viết biên lai thu tiền.
* Mập mờ thông tin
Theo thông tin phóng viên Báo Đồng Nai thu thập được, mấy ngày qua nhóm người bán thuốc diệt côn trùng vẫn đang liên hệ với các xã của huyện (huyện Xuân Lộc), như: Bảo Hòa, Xuân Tâm để xin giấy giới thiệu vận động người dân cho họ phun thuốc diệt côn trùng… lấy tiền, nhưng các địa phương này từ chối. Được biết, chương trình phun thuốc phòng chống dịch bệnh tại các vùng nông thôn luôn được ngành y tế quan tâm thực hiện kịp thời và không thu tiền người dân. Thời gian qua, không ít trường hợp lợi dụng uy tín của chính quyền, cán bộ địa phương để buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhằm trục lợi. Do đó, người dân cần cảnh giác trước những trường hợp vận động buôn bán thuốc diệt côn trùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
Do chính tờ giấy giới thiệu và có cán bộ địa phương đi cùng nên không ít hộ dân, nhà chùa, doanh nghiệp đã ngộ nhận đây là tổ chức phối hợp với xã để phun thuốc diệt côn trùng trong khu dân cư. Nên nhiều gia đình đã vui vẻ chi tiền vì nghĩ rằng đây là chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh trong mùa mưa của Nhà nước hỗ trợ nhân dân.
Chùa Minh Hiệp (ấp Bình Minh, xã Suối Cát) có diện tích khá rộng và đông đảo phật tử là trẻ em đang sinh sống trong chùa. Do đó, vấn đề phòng dịch bệnh luôn được nhà chùa quan tâm, hưởng ứng tích cực. Đại đức Thích An Quang, trụ trì chùa Minh Hiệp, cho biết cách đây vài ngày nhà chùa có tiếp 2 người tự giới thiệu là nhân viên của Công ty cổ phần phát triển nghiên cứu công nghệ Việt Nam, có giấy giới thiệu xác nhận của UBND xã Suối Cát. 2 người này vận động nhà chùa hưởng ứng chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh bằng cách cho phun thuốc quanh chùa và các phòng ngủ. Tưởng đây là chương trình quốc gia nên Đại đức Thích An Quang đồng ý. Những người này cho biết chi phí hết 960 ngàn đồng. Sau khi thu tiền, 2 người nhanh chóng rời khỏi chùa mà không để lại thông tin gì về cơ sở sản xuất thuốc diệt côn trùng dù nhà chùa có hỏi.
Nhà bà Lâm Huy Sinh (ấp Việt Kiều, xã Suối Cát) phải trả 240 ngàn đồng tiền phun thuốc diệt côn trùng quanh nhà mà không được biết nhãn mác, nguồn gốc thuốc. |
Tương tự, tại những khu dân cư thuộc các ấp: Bình Minh, Việt Kiều, Suối Cát 2 có hàng chục hộ dân đồng ý cho “nhân viên” xịt thuốc quanh nhà mình. Xong việc, mỗi gia đình phải trả ít nhất 100 ngàn đồng trở lên, có doanh nghiệp phải trả cả triệu đồng. Điều khiến người dân bức xúc là khi yêu cầu nhân viên cung cấp tên thuốc và biên lai thu tiền đều bị từ chối. Bà Lê Huy Sinh, ngụ ấp Việt Kiều, chia sẻ: “Vì thấy có Phó trưởng ấp cùng đi nên tôi tưởng đây là người phối hợp với xã trong việc diệt côn trùng gây hại. Sau khi phun thuốc xong, nhân viên đòi tiền mà không có biên lai nên người dân rất bức xúc, nhưng ngại hỏi cho ra lẽ. Theo tôi, nếu là doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng thì phải cung cấp chứng từ, hóa đơn theo yêu cầu, đằng này cứ phớt lờ rồi nhanh chóng đi mất thì rất đáng ngờ”.
Nhóm người bán thuốc diệt côn trùng đã hoạt động ở xã Suối Cát có giấy giới thiệu do Công ty cổ phần phát triển nghiên cứu công nghệ Việt Nam về các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thị, thành phố. Ông Đặng Mạnh Cường, Phó trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh, thừa nhận đã ký giấy giới thiệu cho họ về các xã, chủ yếu để tư vấn chứ không nhằm mục đích mua bán thuốc. Trước phản ứng của người dân, trạm sẽ xem xét thu hồi giấy giới thiệu và thông báo trực tiếp đến các xã để có biện pháp ngăn chặn, không cho họ hoạt động. |
* Đánh lận con đen
Trao đổi về những “nhân viên” bán thuốc diệt côn trùng, ông Đỗ Xuân Thể, Chi hội trưởng Hội Nông dân xã kiêm Phó trưởng ấp Việt Kiều, đồng thời là người trực tiếp đưa những người nêu trên giới thiệu cho các hộ dân, khẳng định ông được sự phân công của Hội Nông dân xã. Tuy nhiên, ông Thể không tham gia vận động mà chỉ đứng ngoài đường để mấy người đó vào gặp gỡ người dân. Sau khi các gia đình đồng ý, họ tự lấy đồ nghề ra phun xịt rồi lấy tiền. “Tôi thấy mấy người đó thể hiện sự khác thường trong tiếp cận, ứng xử với dân nên tôi chỉ dẫn họ đi vào buổi sáng. Tôi làm theo sự phân công của cấp trên chứ không biết gì về nội dung thỏa thuận phun thuốc để lấy tiền” - ông Thể phân trần.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND xã Suối Cát Nguyễn Văn Có cho rằng các nhân viên bán thuốc diệt côn trùng khi liên hệ làm việc tại xã có trình giấy giới thiệu của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh cấp. Khi trình bày với xã về kế hoạch tư vấn cho người dân về phòng dịch bệnh, nhân viên bán thuốc chỉ nói nếu có yêu cầu phun thuốc trong nhà mới tính tiền với giá 30 ngàn đồng/bình thuốc. Từ cơ sở này, xã ký giấy giới thiệu cho họ đến làm việc với các hộ gia đình. Sau này, tôi mới nghe phản ảnh của người dân việc người phun thuốc đã lấy của mỗi hộ từ 200 ngàn đồng trở lên, như vậy là không đúng những gì đã trao đổi với lãnh đạo xã trước đó. Đáng tiếc là khi xã phát hiện điều này thì họ đã rút khỏi địa bàn” - ông Có phân trần.
Thiết nghĩ, mấy “nhân viên” bán thuốc diệt côn trùng đã qua mặt được xã Suối Cát cho thấy đây là hành vi có tính toán. Họ có phải là nhân viên của Công ty cổ phần phát triển nghiên cứu công nghệ Việt Nam không, cần phải làm rõ.
Minh Quân