Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà, đất mua bán bằng giấy tay được cấp giấy chứng nhận

10:06, 05/06/2017

Sau 2 tháng triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) nhà ở và đất ở cho những trường hợp mua bán bằng giấy tay, đã có hàng ngàn hồ sơ đăng ký, trong đó trên 300 hồ sơ đã hoàn tất các thủ tục và đang trong giai đoạn chờ cấp giấy.

Sau 2 tháng triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) nhà ở và đất ở cho những trường hợp mua bán bằng giấy tay, đã có hàng ngàn hồ sơ đăng ký, trong đó trên 300 hồ sơ đã hoàn tất các thủ tục và đang trong giai đoạn chờ cấp giấy.

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Liên
Người dân làm thủ tục tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Biên Hòa. Ảnh: N.Liên

Quy định mới này không chỉ giúp tháo gỡ những vướng mắc của người dân trong vấn đề sở hữu đối với nhà, đất mua bán, chuyển nhượng không đúng trình tự, thủ tục mà còn giúp công tác quản lý Nhà nước về đất đai được chặt chẽ hơn.

* Người dân đồng tình

Không phải trường hợp giấy tay nào cũng được cấp giấy. Theo đó, những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán, cho, tặng nhà ở chỉ bằng giấy tay ở thời điểm từ ngày 1-7-2014 trở về trước sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận, nhưng phải có một trong những loại giấy tờ được quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định 43.

Nhiều năm qua, thủ tục cấp giấy CNQSD nhà và đất ở diễn ra phức tạp, đặc biệt là đối với những trường hợp mua bán không đúng quy trình. Đã có không ít trường hợp người dân chịu thiệt thòi trong mua bán, khó khăn trong sang nhượng khi chưa được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng.

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cũng khó quản lý được đất đai và nhà ở theo dạng không chính chủ.

Chính vì vậy, Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã tháo gỡ hầu hết khúc mắc đối với những trường hợp mua bán, sang nhượng, cho tặng nhà, đất bằng giấy viết tay, tạo cơ sở pháp lý cho người dân đối với tài sản của mình.

Sau gần 2 tháng làm thủ tục, khi hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy CNQSD nhà ở, bà Nguyễn Thị Hảo (ngụ KP.10, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) thở phào nhẹ nhõm. Bà Hảo cho biết căn nhà 95m2 gia đình bà ở 15 năm qua được mua bán qua 3 đời chủ đều chỉ bằng giấy tay.

Trước đây, theo hướng dẫn của UBND phường, bà phải tìm được những chủ cũ để hoàn thành đúng thủ tục mua bán thì mới làm giấy chứng nhận được, trong khi chủ thứ nhất và thứ hai là ai, ở đâu bà không biết nên căn nhà phải ở thế “không chính chủ” vì không làm được giấy chứng nhận.

“Nhà tôi vẫn ở, chẳng ai tranh chấp nhưng không yên tâm khi chưa là chính chủ. Tôi cũng không có sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng những lúc khó khăn. Nhà bán mà không có sổ đỏ thì không được giá. Nay theo quy định mới, nhà tôi được cấp giấy chứng nhận thật là tốt quá” - bà Hảo phấn khởi.

Tương tự, anh Trần Vũ Hùng (ở KP.3. phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) đang làm hồ sơ đăng ký xin cấp giấy CNQSD cho căn nhà của bà nội anh để lại gần 20 năm qua. Theo anh Hùng, vợ chồng anh nhiều năm ở cùng và chăm sóc cho bà nội, được bà cũng như các con của bà cam kết trong hội đồng gia tộc là không tranh chấp.

Cách đây 7 năm khi đi làm thủ tục xin cấp giấy CNQSD căn nhà, chính quyền địa phương yêu cầu phải làm giấy CNQSD nhà cho cha anh trước, sau đó mới chuyển nhượng từ cha sang con. Mệt mỏi vì thủ tục lòng vòng, anh Hùng bỏ cuộc. Khi quy định mới được áp dụng, anh Hùng chỉ cần hoàn thành thủ tục cho, tặng nhà một lần từ bà nội sang anh là được cấp giấy.

* Tháo gỡ cho dân, nhưng vẫn phải chặt chẽ

Đó là khẳng định của ông Hoàng Văn Dung, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh (Sở Tài nguyên - môi trường) về vấn đề cấp giấy CNQSD nhà và đất ở đối với những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay.

Ông Dung cho biết Nghị định số 01 và Nghị định 43 là những quy định rất cởi mở của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho người dân đối với việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận cũng như tăng cường công tác quản lý về đất đai, xây dựng.

Để được cấp giấy chứng nhận, người sử dụng nhà, đất đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có nhà, đất để đăng ký, cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn người dân lập thủ tục theo quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, hoặc những công trình nhà ở có giấy tay nhưng xây dựng sau thời điểm quy hoạch được ban hành sẽ không được cấp giấy chứng nhận.

Riêng những trường hợp nhà, đất đã được cấp giấy chứng nhận, việc chuyển nhượng chỉ bằng giấy tay (nghĩa là chưa làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định) qua nhiều chủ, thì nay người chủ cuối cùng được làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy chứng nhận mà không cần qua những chủ trước.

Sau 2 tháng triển khai, số lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận gia tăng đáng kể ở các cấp bởi nhiều người phấn khởi đi làm thủ tục. Ông Dung khẳng định mặc dù cơ chế cấp giấy chứng nhận đã rất cởi mở, nhưng quy trình thực hiện vẫn được thực hiện rất chặt chẽ từ khâu xét duyệt, thẩm định đến cấp giấy nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật đúng theo quy định. Lý do vẫn phải “siết chặt” công tác này nhằm không để xảy ra tình trạng một số người đầu tư bất động sản, lợi dụng chính sách cởi mở của Nhà nước để trục lợi.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích