Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ ngộ độc từ quán cóc vỉa hè

11:05, 17/05/2017

Do giá cả phải chăng, thực đơn phong phú nên những quán cóc vỉa hè trở thành điểm ăn uống hấp dẫn nhiều thực khách. Nhiều người "vô tư" ăn, uống mà không biết rằng thực phẩm tại đây tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao do thường được rửa qua loa, bảo quản tạm thời, chế biến đại khái…

Bếp chế biến của một quán cóc trên đường Trần Công An (TP.Biên Hòa).
Bếp chế biến của một quán cóc trên đường Trần Công An (TP.Biên Hòa).

Do giá cả phải chăng, thực đơn phong phú nên những quán cóc vỉa hè trở thành điểm ăn uống hấp dẫn nhiều thực khách. Nhiều người “vô tư” ăn, uống mà không biết rằng thực phẩm tại đây tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao do thường được rửa qua loa, bảo quản tạm thời, chế biến đại khái…

Chiều xuống, trên nhiều tuyến phố lớn nhỏ ở TP.Biên Hòa, như: khu vực Sân vận động tỉnh, đường vào Trường đại học Đồng Nai (phường Tân Hiệp), khu vực vành đai Sân bay Biên Hòa (phường Tân Phong), đường Chu Văn An, dẫn vào Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long), đường Đặng Văn Trơn (xã Hiệp Hòa)… xuất hiện nhiều hàng quán tạm bợ.

Chỉ cần một chiếc xe đẩy nhỏ, vài bộ bàn ghế nhựa là thành quán đón thực khách đến ăn, dân nhậu lai rai hàng giờ, chém gió thoải mái đến tận nửa đêm.

* Vô tư ăn, nhậu trên vỉa hè

Đường Chu Văn An, dẫn vào Văn miếu Trấn Biên lâu nay trở nên tấp nập với hàng chục quán bàn ghế bày la liệt trên vỉa hè, bán đủ loại thực phẩm từ các món ăn vặt, như: xiên que nướng chè, trái cây, cá viên chiên, trà sữa đến các món nhậu như vịt: lộn, ốc nóng, hải sản các loại… con đường này vốn thoáng mát nên thu hút khá đông người đến ăn, nhậu, đặc biệt là sinh viên.

Ăn uống vỉa hè là thú vui với nhiều người.
Ăn uống vỉa hè là thú vui với nhiều người.

Còn khu vực đường vành đai Sân bay Biên Hòa khi trời chập tối là sáng trưng bởi ánh điện từ những dãy hàng quán nối tiếp nhau. Vỉa hè được tận dụng tối đa để đặt bàn ghế.

Dân nhậu đến đây ăn uống khá đông bởi thực đơn ở những quán này phong phú, giá bán khá mềm với 30-70 ngàn đồng/món, kể cả lẩu.

Người dùng “vô tư” gọi món mà không chú ý đến việc nó được chế biến từ những cái bếp tạm bợ, chật hẹp, dơ bẩn. Thực phẩm sống chín được người bán để lẫn lộn, thậm chí được đặt ngay trên nền đất nhớp nhúa, hải sản được nướng ngay trên bếp than bên đường. Mỗi khi xe lớn chạy qua, bụi cuốn tung mù mịt.

Lai rai ở hàng ốc, khô mực nướng sau lưng Tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa, 3 người đàn ông trung niên vẫn nguyên bộ đồ lấm lem hồ vữa vừa uống vừa vui vẻ cho biết: “Anh em tui làm thợ hồ không có nhiều tiền vào quán lớn, nhậu ở quán cóc vừa rẻ, vừa mát. Chỉ cần hơn trăm ngàn là uống thoải mái. Làm vài xị, về nhà ngủ  mới ngon”.

Chỉ vài phút đứng ở quán ốc vỉa hè này, chúng tôi như bị tra tấn bởi đủ thứ mùi: mùi của bãi rác trung chuyển gần ngay đó, mùi nước tiểu từ những bức tường sát bên bốc lên khai nồng nặc.

Từ chiều đến khuya, chị chủ quán ốc trên vẫn thản nhiên chế biến thức ăn trên cái bàn nhỏ với đủ thứ đồ ăn, đồ dùng, giẻ lau để lẫn lộn. Cạnh đó, hàng bán bún riêu độc chỉ một xô nước vừa nấu, vừa rửa… Chủ một hàng bán ốc, vịt lộn, khô nướng ở đây cho biết: “Mở bán quán ăn vỉa hè không phải đầu tư gì nhiều, khu vực này đông sinh viên, người ở trọ, nên bán buôn cũng sống được qua ngày”.

Theo Bộ Y tế, 94% thức ăn ở những quán cóc vỉa hè, thức ăn đường phố hiện nay bị thả lỏng, không thể quản lý, giám sát. Cơ quan này cũng đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, ngộ độc từ thức ăn đường phố. Tuy nhiên một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa quan tâm khi quán ăn vỉa hè vẫn đang mọc lên như nấm, mà người ăn thì vẫn tấp nập.

* Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Một điều dễ thấy tại các quán vỉa hè là thực khách và chủ quán đều không mấy quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Với thời giá cả thực phẩm đắt đỏ, nhưng thức ăn ở các quán cóc chỉ bán với giá 70 ngàn đồng/lẩu hải sản, 30-40 ngàn đồng một món xào, gỏi, 5 ngàn đồng/xiên que tôm, thịt, hải sản… thì chắc chắn thực phẩm đó không thể là hàng sạch và chất lượng được.

Thêm vào đó, điều kiện chế biến hạn chế, người bán thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, ăn uống tại vỉa hè bụi bặm, ruồi muỗi, nhiều hàng gần cống rãnh… là những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc.

Em Ngô Thị Thùy Linh, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, kể: “Một lần đi ăn xiên que nướng trên đường Chu Văn An, dẫn vào Văn miếu Trấn Biên, ăn một hồi mới phát hiện có giòi trong một số loại thịt, mực, ốc. Trước đó, những xiên thịt nướng trên bếp than thơm phức, ăn trong ánh đèn lờ mờ… đâu có nhìn thấy sự thật dễ sợ, vô tư ăn uống. Giờ biết rồi, tởn luôn”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, cho biết: “Lâu nay, vấn đề quản lý quán cóc vỉa hè được giao cho chính quyền địa phương, nhưng hoạt động này đang bị buông lỏng, khó kiểm soát do sự đa dạng, di biến động và tạm thời. Loại hình ăn uống kiểu này rất dễ xảy ra ngộ độc. Người tiêu dùng nên tẩy chay, không sử dụng thức ăn đường phố kém an toàn này, để đảm bảo sức khỏe”.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích