Báo Đồng Nai điện tử
En

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm

11:04, 16/04/2017

Thực phẩm kém chất lượng gần đây làm ảnh hưởng và đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn đến hàng loạt vụ ngộ độc. Nhân Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm (từ 15-4 đến 15-5-2017), phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Văn Hữu về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Hữu.
Ông Nguyễn Văn Hữu.

Thực phẩm kém chất lượng gần đây làm ảnh hưởng và đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng, dẫn đến hàng loạt vụ ngộ độc. Nhân Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm (từ 15-4 đến 15-5-2017), phóng  viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Văn Hữu về vấn đề này.

Ông Hữu cho biết thực phẩm “bẩn” đã len lỏi vào bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, đe dọa sức khỏe người dân, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thế nhưng những gì phát hiện, xử lý được vẫn chỉ là phần nhỏ.

 Thưa ông, thực phẩm kém chất lưng được Chính phủ nhìn nhận như một vấn nạn, đe dọa chất lượng giống nòi dân tộc. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa kiểm soát hết được, phải chăng công tác quản lý có phần lúng túng?

- Nhìn nhận từ Ban Chỉ đạo quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như Ban Chỉ đạo của tỉnh, công tác phòng chống thực phẩm kém chất lượng thời gian qua đã có nhiều tác động tích cực. Qua đó đã có hàng trăm vụ việc kinh doanh, chế biến, vận chuyển thực phẩm “bẩn” bị phát hiện và xử lý.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là các vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến. Một phần nguyên nhân là do công tác quản lý còn yếu kém, việc xử lý sai phạm còn thiếu kiên quyết, đặc biệt là về mặt hình sự còn hạn chế. Chính vì vậy, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên không tuân thủ pháp luật, trong khi mức chế tài, xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Thịt heo được đặt trên chiếu dưới đất bày bán tại chợ cổng 2 phường Trung Dũng và rau được bày bán dưới đất tại chợ Tân Mai (TP.Biên Hòa).
Thịt heo được đặt trên chiếu dưới đất bày bán tại chợ cổng 2 phường Trung Dũng và rau được bày bán dưới đất tại chợ Tân Mai (TP.Biên Hòa).

Hiện 3 ngành: công thương, y tế, nông nghiệp - phát triển nông thôn đang rất nỗ lực để làm tròn nhiệm vụ được giao, song công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thực sự rất khó khăn, do đó cần có sự hỗ trợ, đóng góp trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm kém chất lượng.

Gần đây tình trạng ngộ độc rượu gia tăng đến mức báo động, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong, theo ông nguyên nhân chính của vấn đề này từ đâu?

- Trước đây, ngộ độc rượu vẫn xảy ra nhưng chỉ là cá biệt, hiếm có trường hợp tử vong. Thế nhưng, thời gian qua các vụ ngộ độc rượu gia tăng đáng kể. Số trường hợp tử vong do ngộ độc rượu rất cao. Theo Bộ Y tế, 3 tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 100 ca ngộ độc rượu, 18 trường hợp đã tử vong. Cá biệt, vụ ngộ độc rượu tập thể mới đây tại huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) làm 69 người bị ảnh hưởng và 9 người trong số này tử vong là một báo động đỏ. Đồng Nai cũng từng xảy ra vụ ngộ độc làm 3 người tử vong một lúc. Điều đó cho thấy vấn đề thực phẩm lại có thêm nguy cơ mới, đó là rượu không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hiện Đồng Nai có khoảng 1.400 cơ sở sản xuất rượu, phần lớn làm theo phương pháp thủ công với quy mô gia đình. Công tác kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu được giao cho ngành công thương, ngành y tế cũng phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát. Khó khăn nhất hiện nay là tồn tại nhiều hàng tạp hóa, quán cóc vỉa hè bán rượu trắng truyền thống không rõ nguồn gốc, còn người sử dụng thì cứ vô tư uống. Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một văn bản quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh rượu nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất mặt hàng này, bảo đảm kiểm soát được nồng độ methanol có trong rượu trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường.

Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Thực tế nhiều doanh nghiệp, người dân nhận thức khá tốt về nguy cơ, tác hại từ thực phẩm “bẩn”, song từ nhận thức đến hành vi lại có khoảng cách khá xa. Vậy theo ông, điều gì đã cản trở sự chuyển biến này?

- Mới đây Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức khảo sát người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng về kiến thức cũng như thực hành hành vi trong chế biến thực phẩm. Kết quả, có đến 80% câu trả lời đúng kiến thức, song khi kiểm tra thực tế hành vi chỉ có khoảng 40% thực hành đúng với kiến thức. Vì sao nhận thức tốt lại không thực hành đúng kiến thức, theo tôi là còn phụ thuộc vào nguồn gốc thực phẩm và lòng ham muốn lợi nhuận cao. Mặt khác, vì không đủ điều kiện kinh tế để mua thực phẩm sạch nên người tiêu dùng đành chấp nhận sử dụng thực phẩm kém an toàn.

Chủ đề của Tháng An toàn thực phẩm năm 2017 là: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Mục tiêu là giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay trong việc sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp khi sản xuất rượu; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống đối với rau, thịt, thủy sản… Bên cạnh đó, nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu và các loại rau, thịt, thủy sản.

Để “tuyên chiến” với thực phẩm “bẩn”, thời gian qua các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử phạt… nhưng vn chưa đy lùi được vấn nạn thực phẩm kém chất lượng. Theo ông, giải pháp nào mới thực sự hiệu quả?

- Để đẩy lùi vấn nạn thực phẩm “bẩn”, ngăn ngừa ngộ độc, bảo đảm sức khỏe người dân, mới đây tại cuộc họp chuẩn bị cho Tháng Hành động an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương các cấp. Thực ra, việc giao trách nhiệm cũng như cam kết thực hiện đối với trưởng đầu ngành các cấp đã triển khai từ nhiều năm nay, nhưng khi giao nhiệm vụ song lại thiếu kiểm tra cũng như còn nể nang trong xử lý trách nhiệm cá nhân nên một số địa phương chưa ráo riết vào cuộc.

Năm nay, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, việc này phải được thực hiện nghiêm, thẳng thắn và sẽ xử lý nặng đối với những người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, cụ thể là sẽ “đánh” vào thi đua cuối năm, thậm chí là cách chức. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, việc sản xuất, tiêu thụ, buôn bán trái phép thực phẩm “bẩn” trên địa bàn, trong chợ của xã, phường, huyện thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm cá nhân về sức khỏe của người dân.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều