Báo Đồng Nai điện tử
En

Nặng nợ vì mất mùa

11:04, 19/04/2017

Nhiều nông dân ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) hiện lâm vào cảnh nợ nần do mùa màng thất bát. Nguyên nhân là do những cơn mưa trái mùa vừa qua đã khiến cho xoài, điều ra trái rất ít, nhà vườn thất thu...

Nhiều nông dân ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) hiện giờ lâm vào cảnh nợ nần do mùa màng thất bát. Nguyên nhân là do những cơn mưa trái mùa vừa qua đã khiến cho xoài, điều ra trái rất ít, nhà vườn thất thu nghiêm trọng.

Vườn xoài của ông Nguyễn Thế Duy (ấp Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cho thu hoạch thấp khiến ông lo lắng về các khoản nợ. Ảnh: M.Quân
Vườn xoài của ông Nguyễn Thế Duy (ấp Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cho thu hoạch thấp khiến ông lo lắng về các khoản nợ. Ảnh: M.Quân

Theo thống kê của UBND xã Phú Lý, doanh thu từ sản lượng nông sản của nông dân năm nay giảm mạnh, đặc biệt là xoài từ trên 60 tỷ đồng vào năm 2016, giờ giảm xuống còn khoảng
11-12 tỷ đồng khiến nhiều người điêu đứng.

* Mùa thu hoạch đìu hiu

Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi, huyện đã thống kê, ghi nhận thiệt hại mùa màng của người dân toàn huyện. Qua rà soát, có 2 xã bị thiệt hại nặng nhất là Phú Lý và Mã Đà, chủ yếu là xoài và điều. Huyện và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ sớm có buổi làm việc để thống nhất mức hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai từ đó trình lên tỉnh phê duyệt.

Theo người dân trong xã, tháng 4 và 5 hàng năm là thời điểm người dân thu hoạch xoài chính vụ. Hàng năm vào mùa này, rất nhiều xe tải xếp hàng chờ chở xoài, nhưng năm nay quang cảnh đìu hiu, không khí vùng quê như nặng nề hơn trước cái nắng gay gắt.

Gia đình anh Trương Văn Sáng (ngụ ấp Bàu Phụng) có 1,7 hécta xoài ba mùa mưa. Những năm trước, vào mùa vụ chính gia đình anh thường thu khoảng 30 tấn xoài với thu nhập từ 230-240 triệu đồng, sau đợt thu hoạch chính vẫn còn vét vườn được từ 2-3 tấn.

Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay vườn xoài của anh Sáng mới thu được 8 triệu đồng mà cây đã hết trái, chẳng còn gì vớt vát thêm. Với thu nhập như vậy, anh Sáng không thể trả khoản nợ 50 triệu đồng tiền phân bón và tiền vay ngân hàng cũng sắp đến kỳ phải trả. Anh Sáng cho biết, hơn 20 năm trồng xoài, đây là lần đầu tiên vườn xoài của anh cho thu hoạch thấp, nhưng lại tốn nhiều công chăm sóc nhất.

“Những năm trước dù có thất mùa thì thu hoạch từ xoài cũng đủ trang trải chi phí. Còn năm nay, nông dân gần như thất bại hoàn toàn nên chúng tôi chưa biết lấy tiền đâu trả nợ. Ngoài ra, ai cũng lo vì không biết chủ cửa hàng phân bón có cho thiếu tiền vật tư nữa không, nếu không chúng tôi chưa biết kiếm tiền ở đâu để trang trải cho mùa vụ tới” - anh Sáng lo lắng.

Nói về mùa vụ xoài thất bát này, ông Nguyễn Thế Duy (ấp Bàu Phụng) cho biết thời tiết biến đổi khó lường khiến nông dân tốn nhiều công sức tiền của để giữ vườn cây. Những cơn mưa trái mùa vừa qua đúng vào thời điểm xoài đang ra bông khiến cây không thể đậu trái nhiều. Sau mưa, nhiều nhà vườn thức trắng đêm để xịt thuốc cứu cây nhưng vô ích.

* Tìm hướng gỡ cho nông dân

Phần lớn nông dân ở xã Phú Lý đều nợ ngân hàng hay các cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp. Hàng năm, các khoản nợ này thường được trả sau khi thu hoạch. Thế nhưng, hiện nay có người đã phải bán bớt đất để lấy tiền trả nợ vì mùa màng thất bát. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cũng gặp khó khăn do nhiều nông dân không có tiền trả, dẫn đến không có vốn để nhập hàng.

Ông Nguyễn Thái Lai, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Thái Lai tại xã Phú Lý, nhận thấy bà con bán đất trả nợ rất xót xa. “Nếu không thu được nợ thì gia đình tôi sẽ đi vay ngân hàng để có vốn nhập hàng, tiếp tục cung cấp phân bón cho nông dân chứ không thể để bà con bỏ vườn cây. Tôi cũng làm nông nên hiểu và thông cảm những khi mùa màng không đạt như mong đợi của bà con” - ông Lai tâm sự.

Chia sẻ về những khó khăn mà người dân xã Phú Lý đang phải đối mặt, Chủ tịch UBND xã Phú Lý Nguyễn Thị Nga cho biết toàn xã hiện có khoảng 1,2 ngàn hécta trồng các loại cây có múi, xoài, điều. Trong đó, xoài chiếm 1/3 diện tích cây trồng.

“Xã đề nghị huyện hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại nặng trong mùa này, cũng như có những chính sách ưu đãi, như: hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, đề nghị các ngân hàng gia hạn cho những hộ đang còn nợ. Hiện xã có 7 công trình giao thông thực hiện theo hình thức xã hội hóa, theo đó người dân phải đóng 20%, song với tình cảnh này chúng tôi cũng kiến nghị huyện xem xét, giảm mức đóng cho người dân” - bà Nga cho biết.

Minh Quân

Tin xem nhiều