Báo Đồng Nai điện tử
En

Xả thải bừa bãi nơi công cộng sẽ bị xử phạt nặng

10:02, 15/02/2017

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1-2-2017), những hành vi xả thải bừa bãi nơi công cộng, như: vứt rác, tàn thuốc, đi tiêu, tiểu không đúng nơi quy định sẽ bị phạt với mức cao gấp 10 lần so với trước.

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1-2-2017), những hành vi xả thải bừa bãi nơi công cộng, như: vứt rác, tàn thuốc, đi tiêu, tiểu không đúng nơi quy định sẽ bị phạt với mức cao gấp 10 lần so với trước.

Một khu vực trên đường Lê A (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) rác được đổ đống ngay dưới chân bảng cấm. Ảnh: P.Liễu
Một khu vực trên đường Lê A (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) rác được đổ đống ngay dưới chân bảng cấm. Ảnh: P.Liễu

Lâu nay, chuyện xả thải bừa bãi nơi công cộng, đặc biệt là “bệnh tiểu đường” của nhiều người diễn ra khá phổ biến.

Dân đồng tình…

 Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi vứt đầu tàn thuốc không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 500 ngàn - 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân bừa bãi bị phạt từ 1-3 triệu đồng; vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố và hệ thống thoát nước thải đô thị bị phạt 5-7 triệu đồng; điều khiển phương tiện vận chuyển vật liệu, hàng hóa không che chắn, hoặc để rơi vãi ra môi trường bị phạt 7-10 triệu đồng…

Nhiều bờ tường, gốc cây, cột đèn trở thành nhà vệ sinh công cộng; không ít cống rãnh bị tắc nghẽn bởi người vô ý thức vô tư vứt rác xuống đường... Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đường phố mà còn là hình ảnh xấu đối với bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam. Vì thế, việc xử phạt nặng những hành vi trên được người dân tán thành.

Bà Nguyễn Thị Ngoan (ngụ phường Thống Nhất) cho biết: “Nhà tôi ở gần mấy quán nhậu trên đường Võ Thị Sáu, lại ở chỗ khuất nên hông nhà tôi bỗng dưng trở thành nơi “xả thải” của mấy tay bợm nhậu ghé vào “trút bầu tâm sự”. Con tôi nhiều lần sơn lên tường dòng chữ “cấm tiểu bậy”, nhưng mấy ông say xỉn vẫn vô tư “xả” ngay tại nơi có chữ cấm ấy. Hay tin hiện nay người “xả” bậy sẽ bị phạt nặng, tôi rất mừng”.

Nếu làm rơi vãi đất, đá trong quá trình vận chuyển, giờ đây chủ xe có thể bị phạt từ 7-10 triệu đồng (ảnh minh họa). Ảnh: P.Liễu
Nếu làm rơi vãi đất, đá trong quá trình vận chuyển, giờ đây chủ xe có thể bị phạt từ 7-10 triệu đồng (ảnh minh họa). Ảnh: P.Liễu

Tình trạng vứt rác, ném tàn thuốc, đổ nước thải bừa bãi, làm rơi vãi đất đá trên đường… cũng diễn ra hàng ngày trên nhiều tuyến đường. Bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, chia sẻ: “Hành vi gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị cần phải được điều chỉnh. Đừng nói rằng “tại vì đang đi đường nên lúc “bí” quá phải “đi” đại; người ta vứt rác, tôi làm theo rồi cũng có công nhân quét rác dọn dẹp. Để cộng đồng xanh - sạch - đẹp, ngoài phạt tiền tôi cho rằng cần buộc những người này phải dọn sạch những gì họ thải ra”.

Để luật pháp  đi vào cuộc sống

Xử phạt nặng các hành vi xả thải bừa bãi ra môi trường công cộng đang được các địa phương triển khai. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt được giao cho chính quyền các cấp. Tuy nhiên, một số lãnh đạo cơ sở cho rằng không dễ thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình (TP.Biên Hòa), cho biết: “Xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi đã khó, xử phạt hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định càng không đơn giản. Nếu “bắt” được người “xả” tại trận, cơ quan chức năng được quyền xử “nóng” từ 1-3 triệu đồng, nhưng một khi người vi phạm không có tiền nộp phạt cũng “chịu chết”; còn xử “nguội” qua camera thì khó có thể tìm ra người trong ảnh, nhất là đối với những khách qua đường”. Tương tự, Chủ tịch UBND phường Bình Đa Hoàng Thị Mai cũng băn khoăn: “Địa phương lấy đâu ra lực lượng để đi tuần tra, giám sát mà xử phạt? Chưa kể, khi nhận tin của người dân báo có đối tượng xả thải, lực lượng đến nơi thì đối tượng cũng đã “xa chạy cao bay”. Giao trách nhiệm cho địa phương, chúng tôi phải chấp hành nhưng chủ yếu tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân ý thức hơn, còn xử phạt thì khó lắm!”.

Điểm tập trung rác ngay cạnh Ủy ban MTTQ tỉnh rất nhếch nhác, làm mất mỹ quan (ảnh chụp 8 giờ sáng 15-2). Ảnh: NGUYỄN LIÊN
Điểm tập trung rác ngay cạnh Ủy ban MTTQ tỉnh rất nhếch nhác, làm mất mỹ quan (ảnh chụp 8 giờ sáng 15-2). Ảnh: NGUYỄN LIÊN

Để từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, ứng xử thân thiện với môi trường một cách có văn hóa, theo ông Trương Ngọc Quang, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường, ngành đang chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, trong đó tổ chức chuyên đề về xử phạt. Ngoài ra, Sở còn tổ chức những buổi tập huấn với nhiều nhóm đối tượng khác nhau, trong đó tập trung vào các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Song song với công tác truyền thông, việc từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà vệ sinh công cộng đang được Công ty cổ phần môi trường Sonadezi tiến hành. Nói về vấn đề này, Tổng giám đốc Bạch Văn Hiền cho biết công ty đang phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa để tìm địa điểm bố trí nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố. Việc này khó khăn vì nơi đặt nhà vệ sinh công cộng phải có đủ điều kiện về nước, quản lý chất thải và nhất là không ảnh hưởng đến nhà dân xung quanh.

Phương Liễu

Tin xem nhiều