Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thủy thần" khoét đất bờ sông

10:11, 14/11/2016

Bờ sông Đồng Nai đoạn qua ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) nhiều năm nay liên tục bị sạt lở. Nhiều ngôi nhà, chuồng trại, tài sản đã bị cuốn xuống dòng sông. Người dân nơi đây đang sống trong sợ hãi...

Bờ sông Đồng Nai đoạn qua ấp 1, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) nhiều năm nay liên tục bị sạt lở. Nhiều ngôi nhà, chuồng trại, tài sản đã bị cuốn xuống dòng sông. Người dân nơi đây đang sống trong sợ hãi...

Công trình phụ và chuồng trại nhà ông Trần Văn Lượng bị sụp đổ xuống sông.
Công trình phụ và chuồng trại nhà ông Trần Văn Lượng bị sụp đổ xuống sông. Ảnh: P.Liễu

Tình trạng sạt lở đang ngày một khoét sâu vào đất liền, có đoạn chỉ cách tỉnh lộ 768 vài chục mét.

* Sống trong sợ hãi

Nhiều năm nay, một số đoạn bờ sông Đồng Nai ở ven khu vực xã Tân An liên tục bị sạt lở đã cuốn theo nhà cửa, tài sản của người dân xuống dòng sông. Mới đây nhất, ngày 26-6 một vụ sạt lở nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm qua đã gây thiệt hại lớn về các công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con tại khu vực này.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết qua đợt khảo sát mới đây, tình trạng sạt lở bờ sông không chỉ ở khu vực ấp 1, xã Tân An mà kéo dài đến xã Thiện Tân. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng xử lý gia cố bờ sông để đảm bảo an toàn cho người dân và tuyến giao thông tỉnh lộ 768. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh nên có ý kiến chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tiến hành đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Mặt khác, tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động dòng chảy của sông Đồng Nai tại đoạn trên nhằm xây dựng phương án xử lý, đảm bảo ổn định bờ sông lâu dài.

Vụ sạt lở đã khiến miễu Bà bị nứt toác nhiều đoạn, mái che phía sau bị sụp đổ; nhà văn hóa ấp 1 bị sụt lún nặng, phần tường và móng bị phá vỡ hoàn toàn; 8 căn nhà xây của người dân bị sập tường, nứt nền, hư móng; nhiều công trình phụ và khu vực chuồng trại của một số hộ dân bị hư hại. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng bờ sông bị lở gây hoang mang cho nhiều người nên có hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống, những hộ ở lại vì không có điều kiện di dời và chưa sẵn sàng cho nơi định cư mới.

Ông Trần Văn Lượng (60 tuổi), gia đình có nhiều thế hệ sống ở đây, cho biết trước đây bờ sông cách đường hàng trăm mét. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, bờ đất liên tục bị sạt lở. Theo ông Lượng, từ ngày nạn khai thác cát trên sông diễn ra tràn lan đã khơi sâu thêm lòng sông khiến nước sông liếm dần vào bờ. Hiện tại, lòng sông đã mở rộng, vào gần sát đường làm nhiều gia đình mất đất nông nghiệp, chỉ biết ngồi than khóc. Sau lần sạt lở vào cuối tháng 6 vừa qua, mới đây khu vực này xuất hiện thêm một số rãnh nứt, kéo theo từng mảng đất lớn xuống sông làm nhiều người sợ hãi.

Là một trong 8 hộ bị ảnh hưởng nặng nhất sau đợt sạt lở vừa qua, bà Lâm Thị Ngọc Dung buồn rầu nói: “Nhiều năm nay vợ chồng tôi làm thuê làm mướn tích góp được gần 200 triệu đồng xây dựng căn nhà khang trang cho con cái ở. Vậy mà chỉ sau một đêm, ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, gia đình tôi trắng tay”.

* Giải pháp nào hạn chế sạt lở?

Theo nhiều người dân ở khu vực bờ sông bị sạt lở, tình trạng dòng sông Đồng Nai ở khu vực ấp 1, xã Tân An đang lấn sâu vào bờ hết sức nghiêm trọng. Hàng chục ngôi nhà xây kiên cố ở gần sát tỉnh lộ 768 giờ bị bỏ hoang vì bị sụt lún, rạn nứt sau những đợt sạt lở. Không ít người cảnh báo, nếu Nhà nước không sớm có biện pháp gia cố bờ sông để hạn chế sạt lở thì kết cấu tỉnh lộ 768 trước sau cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều nhà dân bị bỏ hoang vì hư hại sau những lần bờ sông bị sạt lở. Ảnh: P.Liễu
Nhiều nhà dân bị bỏ hoang vì hư hại sau những lần bờ sông bị sạt lở. Ảnh: P.Liễu

Được biết, sau lần bờ sông bị sạt lở, cuốn trôi tài sản của người dân, UBND huyện Vĩnh Cửu cùng cơ quan chức năng đã đến hiện trường để đánh giá thiệt hại và tìm nguyên nhân xảy ra sạt lở. Các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện tiếp tục khảo sát dọc tuyến sông, nhất là những vị trí có nguy cơ sạt lở, để tìm ra nguyên nhân và giải pháp tham mưu cho UBND tỉnh phương án di dời người dân cũng như bố trí tái định cư, hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại nặng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng bờ sông đang mất dần, Phó chủ tịch UBND xã Tân An Huỳnh Văn Thiệt cho biết địa phương đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những sự cố ở bờ sông, đồng thời cảnh báo hộ dân không sinh hoạt ở các điểm bị sụt lún, nứt nền và tường nhà. UBND huyện cũng đã bố trí tái định cư tại ấp Bình Chánh cho 7/8 hộ có nhà bị hư hại trong đợt sạt lở vừa qua.

Theo những hộ dân được cơ quan chức năng bố trí tái định cư, mặc dù được hỗ trợ kinh phí di dời, thuê nhà ở tạm, bù đắp thiệt hại về tài sản, nhưng đến nay nhiều hộ không có điều kiện để xây dựng nhà mới trên nền tái định cư. Chính vì vậy, nhiều gia đình chấp nhận tiếp tục sống trong ngôi nhà đã bị rạn nứt, hư hỏng. Điều đó gây nguy hiểm đến tính mạng người dân vì không biết căn nhà sẽ đổ sập lúc nào.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích