Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, từ nay đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 mới bước vào giai đoạn chuyển sang mùa khô. Từ nay đến thời điểm đó còn khoảng 2-3 cơn bão... có thể gây mưa…
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, từ nay đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 mới bước vào giai đoạn chuyển sang mùa khô. Đáng kể, từ nay đến thời điểm đó còn khoảng 2-3 cơn bão hoặc áp thấp trên Biển Đông, có thể gây mưa lớn khu vực Đông Nam bộ…
Người dân vất vả đi qua một điểm ngập trên tỉnh lộ 765, đoạn qua ấp 3 (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ). |
Trước thông tin trên, người dân ở khu vực ấp 3 (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) cảm thấy bất an vì chuyện ngập nước. Bởi đối với vùng này, chỉ cần mưa liên tục trong khoảng 2 tiếng là nước dâng cao thành sông, khu vực bị cô lập hoàn toàn.
* Sợ… mưa
Ông Cao Tuấn Khanh (ngụ ấp 3, xã Sông Ray) than: “Chỉ cần mưa khoảng 2 tiếng, nước từ khắp nơi tràn về con suối ven đường, nhấn chìm mọi ngõ ngách. Mỗi lúc như vậy, chúng tôi phải đợi từ 2-3 tiếng sau khi mưa tạnh để nước rút mới dám qua lại bình thường và dọn dẹp lại nhà cửa”. Tương tự, chị Huỳnh Thị Thanh Thảo (ấp 3, xã Sông Ray) cho biết nhà chị nằm cách cống thoát nước cắt ngang đường tỉnh 765 khoảng 1km. Thời gian qua, sau những cơn mưa lớn nhà chị ngập mấy lần. Nước ngập sâu nên một số nhà có đường dây điện thấp phải nhanh tay ngắt cầu dao để đề phòng sự cố nguy hiểm.
Sau những cơn mưa lớn, khu vực ấp 3 (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) biến thành sông. |
Không chỉ khổ vì ngập nước kéo dài nhiều giờ đồng hồ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà chuyện ngập còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đây. Chị Nguyễn Thị Kiều (ấp 4, xã Sông Ray) nhớ lại: “Năm ngoái mưa lớn quá đã cuốn 2 thanh niên khỏe mạnh trong dòng nước xiết. May mà họ bám được vào gốc cây ven suối chờ người khác đến cứu”. Đáng kể, điểm ngập trên còn lan rộng đến Trường tiểu học Hồng Bàng nên mỗi khi mưa lớn, dù còn giờ học nhưng giáo viên thường cho học sinh về sớm để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm nước khắp nơi đổ về nhanh nên trường phải đóng cổng, ngăn không cho học sinh ra về để tránh rủi ro cho các em.
Nhiều người cho rằng, từ nay đến mùa khô sẽ còn vài cơn mưa lớn và áp thấp nhiệt đới. Do đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nếu không kiểm tra để khắc phục, chắc chắn khu vực này sẽ còn ngập khi có mưa dai dẳng.
* Mới khắc phục một phần…
Nhận định về tình hình ngập lụt ở địa phương, Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray Phạm Lục Nam thừa nhận đã tồn tại nhiều năm qua. Chúng tôi đã kiến nghị Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai (Sở Giao thông - vận tải) cải tạo lại hệ thống cống băng ngang tỉnh lộ 765 tại khu vực ấp 3. Cơ quan chức năng có tiến hành nạo vét tuyến cống nên mùa mưa năm nay tình trạng ngập đã có phần thuyên giảm. Tuy vậy, mỗi khi mưa lớn khu vực này vẫn ngập sâu và kéo dài, nhất là ở phía 2 đầu cống gây ảnh hưởng đến đời sống và đi lại của người dân” - ông Nam nói. Theo ông Nam, để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi mưa ngập, UBND xã phải cử công an và dân quân giăng dây phản quang báo hiệu khu vực suối, đồng thời trực tiếp điều tiết 2 đầu điểm ngập để ngăn không cho bà con lưu thông, đến khi nước rút hẳn mới được qua lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình hình ngập tại khu vực ấp 3, xã Sông Ray liên quan đến tỉnh lộ 765, ông Phạm Văn Dũng, phụ trách Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai, cho biết tỉnh lộ 765 được đưa vào hoạt động đến nay đã hơn 12 năm, đoạn ngập nặng thuộc km19+800. Nguyên nhân là do ngày trước khu vực này có 3 cống thoát nước với đường kính chỉ 1m, không đảm bảo thoát nước kịp khi mưa lớn. Ngoài ra, tình trạng người dân thiếu ý thức xả rác bừa bãi xuống cống khiến hệ thống thoát nước bị nghẹt. “Mới đây, chúng tôi thay cống nhỏ bằng cống hộp đường kính 2,5m thì chuyện ngập có giảm. Thực tế, góp phần gây ngập là do phía thượng nguồn con suối từ khu vực Nông trường Cù Bị, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị người dân phát rẫy rồi bỏ các nhánh cây, tre… xuống suối gây ách tắc dòng chảy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết hợp cùng chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con không bỏ rác thải xuống đường thoát nước để tránh tình trạng cống bị nghẹt dẫn đến ngập nước như lâu nay” - ông Dũng nhấn mạnh.
Đăng Tùng