Giờ đây, đi trên những con đường giao thông nội ấp, liên ấp ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), nhiều người cảm thấy vui khi hầu hết các con đường này đã được thảm bê tông xi măng khang trang, rộng rãi…
Giờ đây, đi trên những con đường giao thông nội ấp, liên ấp ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), nhiều người cảm thấy vui khi hầu hết các con đường này đã được thảm bê tông xi măng khang trang, rộng rãi…
Đường vào ấp 6 (xã Xuân Tây) được nhiều hộ dân hiến đất làm đường nên giờ rộng rãi, khang trang. Ảnh: P.Liễu |
Từ khi đường được nâng cấp, việc vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn, giá bán cao hơn. Để có được những con đường sạch đẹp như hôm nay, người dân đã không ngần ngại chung tay góp tiền và hiến đất làm đường xây dựng xã nông thôn mới.
Nói về phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Nhiều xã ở Cẩm Mỹ đã hoàn thành tốt phong trào xã hội hóa giao thông. Đặc biệt, thông qua vận động, nhân dân rất tích cực hiến đất, đóng góp tiền để chung tay góp xây dựng nông thôn mới. Điều đó cho thấy, khi chủ trương hợp lòng dân thì việc gì cũng thuận lợi, khó khăn nào cũng được tháo gỡ”. |
Bà Nguyễn Thị Len (ở ấp 4, xã Xuân Tây) cho biết trước đây đường vào ấp 4 chật hẹp, lầy lội, gập ghềnh rất khó đi. Mỗi khi thu hoạch tiêu, việc vận chuyển nông sản ra trung tâm huyện vô cùng khó khăn, người dân buộc phải bán giá rẻ cho thương lái. Giờ đây, đường vào đến tận cuối ấp rộng rãi, khang trang, đi lại thuận tiện, vận chuyển nông sản dễ dàng nên phần lớn bà con chở tiêu ra trung tâm huyện bán với giá cao hơn. “Nhà tôi chỉ phải đóng góp 2 triệu đồng để làm đường. Đến nay, đường thông thoáng nên mới thấy việc xã hội hóa giao thông là cần thiết” - bà Len nói.
Con đường tổ 1, ấp 6 kết nối với ấp 4 trước đây là đường đất, chỉ rộng chưa đầy 2m, quanh năm luôn trong tình trạng nắng bụi, mưa sình. Vào mùa mưa, các em đến lớp với quần áo thường lấm lem bùn đất do đường trơn trượt. Thấy con đi học khó khăn, nhiều gia đình đã cho con mình nghỉ học. Nhớ lại thời điểm được bà con bầu làm công tác giám sát, kiểm tra và quản lý thi công đường tổ 1, ông Nguyễn Hữu Chữ (ở tổ 1, ấp 4) vui vẻ cho biết: “Nhà tôi ở mặt tiền đường lớn của huyện. Dù không phải đi lại trên đường tổ 1, nhưng tôi vẫn góp chút ít để cùng Nhà nước và bà con làm đường. Thấy người dân, đặc biệt là các cháu đỡ vất vả khi đến trường là tôi vui rồi”. Bằng uy tín của mình, trong quá trình làm đường, ông Chữ đã đi từng nhà vận động nhiều hộ dân rời hàng rào, chặt một số gốc tiêu, cây ăn trái để hiến đất. Hiện nay, mặt đường tổ 1 liên ấp 4 và ấp 6 đã mở rộng từ 3,5-4m, đi lại thuận lợi và sạch sẽ.
Là một xã cũng thực hiện rất tốt công tác xã hội hóa giao thông, ông Phạm Duy Lương, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, cho biết tính đến nay, xã đã hoàn thành bê tông hóa được 61 tuyến giao thông nông thôn với chiều dài hơn 34km; 50 tuyến đường trục thôn, xóm với chiều dài 23km; 11 đường ngõ, xóm dài 11km. Tổng kinh phí thực hiện là trên 110 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 27 tỷ đồng. |
Xuân Tây là một trong những xã có phong trào xã hội hóa giao thông tích cực nhất huyện Cẩm Mỹ. Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Tây, bộc bạch khi triển khai dự án làm đường, bà con rất vui và đồng thuận tham gia đóng góp, hiến đất. Trong năm nay, xã có đến 40 tuyến đường nội ấp, liên ấp với tổng đầu tư là 41 tỷ đồng, được thi công theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 12 tỷ đồng. Sang năm 2017, xã sẽ tiếp tục triển khai thêm 41 tuyến đường với tổng vốn đầu tư là 36,5 tỷ đồng, người dân đóng góp 10,8 tỷ đồng. Theo nhận định của ông Hải, từ khi đường giao thông các ấp và liên ấp được đầu tư xây dựng, đời sống bà con khá lên trông thấy. Không chỉ xóm ấp thêm khang trang, sạch đẹp, đi lại thuận lợi, an toàn mà người dân còn phấn khởi vì nông sản giờ đây không còn bị tư thương ép giá.
Đường giao thông ở ấp Bể Bạc (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) được nâng cấp, tạo nhiều thuận lợi trong việc đi lại của người dân. Ảnh: P.Liễu |
Phương Liễu