Mục đích của việc lắp đặt gờ giảm tốc nhằm hạn chế tốc độ của các phương tiện, nhất là ở khu vực đông dân cư để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).
Mục đích của việc lắp đặt gờ giảm tốc nhằm hạn chế tốc độ của các phương tiện, nhất là ở khu vực đông dân cư để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).
Cụm gờ giảm tốc trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) với 15 gờ liên tục khiến các phương tiện khó đi lại. Ảnh: P.Liễu |
Tuy nhiên, tại một số nơi xảy ra tình trạng lắp đặt các cụm gờ giảm tốc quá nhiều và quá cao đã và đang tạo ra những cái bẫy nguy hiểm cho người đi đường.
* Khổ vì… gờ giảm tốc
Khoảng chục năm nay, gờ giảm tốc được lắp đặt tại nhiều tuyến đường và quốc lộ đã phần nào hạn chế tốc độ xe cơ giới chạy trong đô thị. Song, do chưa có quy chuẩn nhất định nên một số cụm gờ giảm tốc không những không phát huy hiệu quả mà còn là những chướng ngại vật đối với người đi đường.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết: “Về mặt lâm sàng, những người mang thai từ tuần thứ 28 trở đi, nếu thường xuyên đi lại trên những con đường có gờ giảm tốc gây dằn xóc mạnh sẽ dễ bị sinh non. Đặc biệt, với những thai phụ có vết thương mổ sinh trước đó, bụng đã nặng lại bị dằn xóc vết thương cũ sẽ bị tác động, dễ gây bục tử cung”. |
Ông Nguyễn Nam Hà (ở phường An Bình, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Trước nhà tôi là cụm gờ giảm tốc khá nhiều và cao. Ban ngày, xe cộ đi lại liên tục nên ở trong nhà vẫn cảm nhận được độ rung chấn ầm ầm. Khổ nhất là vào ban đêm, các loại xe tải sau khi đã xuống hàng chạy không giảm tốc độ, tạo những âm thanh chát chúa khiến giấc ngủ của mọi người không yên”.
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, mà những cụm gờ giảm tốc đặt ở những nơi không cần thiết còn ảnh hưởng đến sức khỏe người đi đường. Chị Ngô Thị Kim Nhung (phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), công nhân Công ty cổ phần hưng nghiệp Pouchen Việt Nam, đang có thai những tháng cuối, cho biết hàng ngày đi lại bằng xe 2 bánh trên đường Nguyễn Ái Quốc phải đi qua rất nhiều chỗ có gờ giảm tốc, đặc biệt đoạn gần Công an TP.Biên Hòa với 15 gờ rất cao nên dù xe đi rất chậm nhưng chiếc xe cứ nhảy “tưng tưng”. “Nhiều hôm về bụng tôi đau âm ỉ. Vì thế, để tránh bị dằn xóc khi qua đó tôi phải leo lề đường để đi” - chị Nhung bộc bạch.
Trong khi đó, anh Võ Thành Nam, tài xế xe tải, khẳng định từ khi các tuyến đường lắp đặt gờ giảm tốc thì nhíp xe gãy liên tục. Đáng kể là vào ban đêm, một số tài xế không thuộc đường nên khi chạy qua gờ giảm tốc không có phản quang, lại không có biển báo khiến xe gãy nhíp là chuyện bình thường.
* Cần quy định cụ thể cho gờ giảm tốc
Theo ông Trần Dương Vũ, Phó phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, gờ giảm tốc được triển khai lắp đặt trên nhiều tuyến đường là một giải pháp quan trọng nhằm cải tạo các “điểm đen” tai nạn giao thông. Thông thường, gờ giảm tốc đặt cách “điểm đen” từ 15-20m, đặt cách giao lộ, khu vực trước khi vào đường cong, đường dốc khoảng 5-7m để báo hiệu cho các chủ phương tiện chủ động giảm tốc độ. Thế nhưng, do ý thức của những người tham gia giao thông chưa tốt nên khi đi đến những đoạn gờ giảm tốc vẫn không giảm tốc độ.
Gờ giảm tốc cao và to trong đường nội bộ ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Ảnh: P.Liễu |
Tương tự, ông Lê Trọng Vĩnh, chuyên viên Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cũng cho rằng gờ giảm tốc góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông - vận tải vẫn chưa thống nhất quy chuẩn về việc đặt các cụm gờ giảm tốc. Vì vậy, việc đặt các cụm gờ giảm tốc tại một số nơi chưa phù hợp, chẳng hạn như đắp gờ quá cao, rộng và dày trên một số tuyến đường đã gây ra những ảnh hưởng đối với người dân. Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh có phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa xem xét và gỡ bỏ các cụm gờ giảm tốc không hiệu quả ở một số tuyến đường trong các khu công nghiệp.
Vì thiếu quy chuẩn, nên hiện nay tại nhiều tuyến đường thẳng, không trơn ở TP.Biên Hòa nhưng đặt nhiều cụm gờ giảm tốc. Chẳng hạn, trên đường Nguyễn Ái Quốc, đường Hà Huy Giáp…, các cụm gờ giảm tốc được bố trí khá dày, từ 3-15 gờ. Nhiều cụm gờ giảm tốc được xây dựng từ chất liệu bê tông nhựa và bê tông xi măng nên có độ dằn xóc lớn. Ngược lại, nhiều nơi gờ giảm tốc quá thấp nên không phát huy được tác dụng, gây lãng phí.
Phương Liễu