Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh người khuyết tật xuất hiện ở những quán ăn hay chỗ đông người. Phần lớn họ có mặt tại những nơi này không phải để ăn xin mà bán vé số. Tuy nhiên, đôi khi tôi bắt gặp những ánh mắt xem thường đổ về phía họ khiến những người không may có cơ thể khiếm khuyết bị tổn thương.
Trong cuộc sống hàng ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh người khuyết tật xuất hiện ở những quán ăn hay chỗ đông người. Phần lớn họ có mặt tại những nơi này không phải để ăn xin mà bán vé số. Tuy nhiên, đôi khi tôi bắt gặp những ánh mắt xem thường đổ về phía họ khiến những người không may có cơ thể khiếm khuyết bị tổn thương.
Số người khuyết tật chọn nghề bán vé số dạo có thể xem là sự lựa chọn trong cuộc mưu sinh vất vả. Bởi là người khuyết tật nên phần lớn trong số này không có nghề nghiệp ổn định, nhưng họ có sĩ diện mong kiếm được đồng tiền chân chính do mình làm ra. Hiện một số địa phương có trung tâm bảo trợ người tàn tật, song không phải ai cũng được chào đón vì bị vấp phải rào cản hộ khẩu, không người bảo lãnh cùng nhiều lý do khác. Hơn nữa, những trung tâm này chỉ đào tạo nghề nhưng khi học xong nhiều người không biết xin việc ở đâu khiến cuộc sống người khuyết tật vốn đã cơ cực lại càng khó khăn. Chính vì vậy, ước mơ bỏ sức lao động tự nuôi sống bản thân đối với người khuyết tật khá nghiệt ngã.
Nhiều trường hợp người khuyết tật còn bị gia đình bỏ rơi khi giao con cho các trường khuyết tật dạy dỗ mà không hề thăm nom, chăm sóc. Không ít trẻ khuyết tật thiếu tình thương của gia đình, thèm một mái ấm đúng nghĩa nhưng không thể với tới. Thực tế, hiện không ít người xem người khuyết tật là gánh nặng xã hội. Chính vì sự phân biệt đó mà rất nhiều người khuyết tật thất nghiệp, không có cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình vẫn có thể giúp ích cho đời.
Thiết nghĩ, người khuyết tật bị thiệt thòi nhiều nên đừng xa lánh họ mà hãy sẻ chia, đồng cảm, yêu thương để những người này có thể vượt qua mặc cảm, sống hòa đồng cùng xã hội.
Đặng Trung Công (TP.Hồ Chí Minh)