Với mục tiêu chia sẻ những khó khăn, giải đáp những thắc mắc, kịp thời "hạ hỏa" những bức xúc của bệnh nhân và thân nhân, phòng công tác xã hội (CTXH) tại một số bệnh viện trong tỉnh đang phát huy hiệu quả.
Với mục tiêu chia sẻ những khó khăn về viện phí, sẵn sàng tư vấn tâm lý, giải đáp những thắc mắc, kịp thời “hạ hỏa” những bức xúc của bệnh nhân và thân nhân, phòng công tác xã hội (CTXH) tại một số bệnh viện trong tỉnh đang phát huy hiệu quả.
Nhân viên y tế kiêm nhân viên Phòng Công tác xã hội vừa chăm sóc bệnh nhân qua giao tiếp thân thiện, giúp bệnh nhân hợp tác tốt trong điều trị. Ảnh: P.Uyên |
Chăm sóc bệnh nhân về mặt xã hội có sự kết hợp y tế - tâm lý - xã hội là mô hình chăm sóc bệnh nhân toàn diện mà nhiều cơ sở y tế đang hướng tới.
Chia sẻ và đồng cảm
Bệnh viện đa khoa Thống Nhất ngày cuối tuần khá đông bệnh nhân. Người bệnh, người bị tai nạn đầy máu me, đau đớn rên la... nằm chật kín cả Khoa Cấp cứu.
Trong số những người thân đang lo lắng, một phụ nữ trung niên mắt ngấn nước nhìn con trai bị xe đụng nằm rên rỉ trên cáng cứu thương. Cùng lúc, một bệnh nhân khác thiêm thiếp trên cáng, mặt trắng nhợt, thở dốc từng hơi được xe cứu thương chuyển đến. Theo yêu cầu của bác sĩ trực, nhân viên y tế xúm lại tất bật cấp cứu bệnh nhân này. Thấy thế, người thân của thanh niên nhập viện trước tỏ ra bất bình khi thấy bệnh nhân vào sau lại được cấp cứu trước. Một điều dưỡng, cũng là nhân viên Phòng CTXH của bệnh viện, liền ôn tồn trấn an và giải thích: “Con bà chỉ bị thương phần mềm không đáng ngại. Còn bệnh nhân kia nếu không cứu kịp, sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. Hiểu ra, người thân bệnh nhân trẻ đã hạ cơn nóng.
Không chỉ có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ những lo lắng của bệnh nhân và thân nhân người bệnh, mà phòng CTXH ở các bệnh viện còn làm nhiệm vụ, như: tư vấn, hướng dẫn, giải thích các quy định, thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm, xem xét các trường hợp bệnh nhân nghèo để hỗ trợ viện phí điều trị, đưa đến những phần cơm, suất cháo từ thiện… Bà Nguyễn Thị Ngọc, một bệnh nhân bị ung thư gan đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tâm sự: “Trong thời gian ở bệnh viện, tôi được các cô chú Phòng CTXH của bệnh viện thường xuyên đến thăm hỏi, đồng thời hỗ trợ tôi 8 triệu đồng tiền viện phí. Người bệnh nghèo khi điều trị ung thư tốn kém thì số tiền ấy là một món quà lớn”.
Trong số các bệnh viện tuyến tỉnh thì Phòng CTXH Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai được thành lập rất sớm. Các hoạt động ở đây khá bài bản với đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Những hoạt động của Phòng CTXH bệnh viện đã giúp gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị. Mỗi năm, phòng cũng hỗ trợ trên 100 triệu đồng cho những bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt.
Nâng cao y đức và uy tín bệnh viện
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2015 quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức CTXH của bệnh viện. Điều này đã giúp các bệnh viện không chỉ thực hiện vai trò khám, chữa bệnh mà trở thành cầu nối, nơi chia sẻ của bệnh nhân với cộng đồng.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho hay Phòng CTXH bệnh viện có nhiều hoạt động thiết thực, như: trợ giúp các y, bác sĩ giải thích cho người bệnh hiểu để hợp tác với bác sĩ trong điều trị. Ngoài ra, Phòng CTXH còn tích cực hướng dẫn người bệnh thủ tục khám, điều trị tại các khoa, phòng; vận động cộng đồng giúp đỡ kinh phí điều trị cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo. Với cách làm này đã xoa dịu nỗi đau bệnh nhân, đồng thời lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện. Từ đây đã tạo ra sự gắn kết cần thiết giữa bệnh nhân và người nhà với bệnh viện.
Nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đa khoa Thống Nhất phát tờ rơi truyền thông về phòng ngừa bệnh ung thư. |
Trao đổi về phương thức hoạt động xã hội từ thiện trong bệnh viện, Trưởng phòng CTXH Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Nguyễn Như Giao cho rằng dù mới chính thức được thành lập từ tháng 3-2016 nhưng phòng đã thể hiện được vai trò trong việc tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân. “Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên quan hệ mật thiết với công chúng và tổ chức từ thiện, như: phát cơm, cháo tình nguyện; tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới tình nguyện viên để giúp đỡ bệnh nhân” - ông Giao chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều bệnh viện quá tải nên thầy thuốc chịu nhiều áp lực nặng nề đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng hoạt động xã hội sẽ góp phần đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, từ đó góp phần nâng cao y đức và chất lượng bệnh viện.
Phòng CTXH Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện phụ trách công tác tư vấn, tiếp cận cũng như đề xuất hỗ trợ bệnh nhân nghèo cho Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Ủy ban MTTQ tỉnh. Theo đề xuất của Phòng CTXH bệnh viện, từ đầu năm 2016 đến nay đã có 92 bệnh nhân ung thư và bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ từ 2 quỹ trên với số tiền gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, Phòng CTXH bệnh viện còn giúp 2 trường hợp bệnh nhân vô thừa nhận tìm được người thân qua việc kết nối với cộng đồng mạng xã hội. |
Phương Uyên