Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay giải quyết rác sinh hoạt

10:09, 16/09/2016

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa thường xuyên tồn đọng rác thải sinh hoạt. Đơn vị chức năng dù đã cố gắng thu gom rác để xử lý nhưng cũng không xuể.

Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa thường xuyên tồn đọng rác thải sinh hoạt. Đơn vị chức năng dù đã cố gắng thu gom rác để xử lý nhưng cũng không xuể. Có thể nói, chưa bao giờ chuyện rác thải lại trở nên nan giải như hiện nay.

Một hộ dân ở KP.6, phường Trung Dũng đang phân loại rác tại nhà. Hành động dù nhỏ nhưng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Một hộ dân ở KP.6, phường Trung Dũng đang phân loại rác tại nhà. Hành động dù nhỏ nhưng góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.

Những hành động nhỏ, như: ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn, hạn chế lượng rác thải ra môi trường… của mỗi gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống văn minh, hiện đại.

* Hành động nhỏ, lợi ích lớn

Đặng Ngọc Hà Anh (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), sinh viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết: “Nhóm tụi tôi sống theo phương châm “không phát sinh rác thải”. Cụ thể, trong mọi hoạt động tôi và các bạn cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh rác. Chẳng hạn khi mua ổ bánh mì, tôi cầm luôn trên tay ăn để không phải thải ra giấy gói; đi chợ tôi mang hộp nhựa đựng cá hoặc thịt, một cái túi nhựa dày đựng rau củ quả, dùng xong giặt sạch, phơi khô để dùng lại…”. Được biết, nhóm của Hà Anh không chỉ thực hiện mỗi ngày mà qua facebook cũng kêu gọi nhiều bạn trẻ hành động như thế để hạn chế lượng rác thải ra môi trường.

Tổ chức ngày hội tái chế chất thải

Ngày hội tái chế rác năm 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 25-9 tới đây với chủ đề “Tái chế - tiết kiệm và bảo vệ môi trường”. Ngày hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tái chế chất thải và áp dụng các giải pháp tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong quá trình sản xuất để hạn chế ô nhiễm môi trường và có thể tận dụng được nguồn tài nguyên.

Bên cạnh việc hạn chế rác thải đưa ra môi trường thì phân loại rác tại nguồn cũng là việc rất nên làm để giảm thiểu lượng rác phát sinh. Từ năm 2008 đến nay, chương trình phân loại rác tại nguồn vẫn được Sở Tài nguyên - môi trường tiếp tục triển khai tại nhiều địa bàn trong tỉnh cũng như tại các cơ quan, đoàn thể, trường học và chợ.

Bà Nguyễn Thị Tâm (ở KP.4, phường Hòa Bình), một hộ dân nhiều năm thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, bộc bạch: “Khi chương trình phân loại rác tại nguồn đưa về phường thực hiện, bà con chúng tôi hiểu được lợi ích của việc phân loại rác nên tôi chấp hành từ đó đến nay. Dù mất công một chút, nhưng nhiều loại rác tái sử dụng được, như: bịch ny-lông, chai lọ nhựa, giấy lộn… tôi không đổ chung với các loại rác khác mà được tách riêng để bán cho người thu mua ve chai. Cách làm này giảm được đáng kể lượng rác mà cơ quan chức năng phải đi thu gom, xử lý mỗi ngày”.

* Cần cả cộng đồng vào cuộc

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở Tài nguyên - môi trường, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.622 tấn rác. Riêng TP.Biên Hòa là 658 tấn rác/ngày. Trong khi đó, những nhà máy và cơ sở xử lý, tái chế rác thải hoạt động chưa thật hiệu quả nên phần lớn chất thải sinh hoạt được xử lý bằng cách chôn lấp. Điều này không chỉ lãng phí đất, tốn chi phí hoạt động mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, tại không ít tuyến đường ở TP.Biên Hòa thường xuyên diễn ra tình trạng vứt rác bừa bãi. Trong ảnh: Bãi rác “lấn” đường Phạm Văn Thuận, đoạn qua phường Tân Mai, TP.Biên Hòa.
Trong khi đó, tại không ít tuyến đường ở TP.Biên Hòa thường xuyên diễn ra tình trạng vứt rác bừa bãi. Trong ảnh: Bãi rác “lấn” đường Phạm Văn Thuận, đoạn qua phường Tân Mai, TP.Biên Hòa.

Ông Bạch Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi, chia sẻ: “Là đơn vị có chức năng thu gom xử lý rác, trong hoàn cảnh hiện nay chúng tôi đang chịu rất nhiều áp lực vì thiếu những bãi rác trung chuyển. Từ đó lượng rác phát sinh mỗi ngày một lớn. Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, từ nay đến tháng 10-2016, công ty phải trình quy hoạch mạng lưới trung chuyển rác sinh hoạt. Trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã đi khảo sát một số địa phương nhưng phường, xã nào cũng báo là không còn quỹ đất. Trong khi đó, rác thiếu nơi trung chuyển nên tồn đọng tại một số điểm bốc mùi hôi thối bị người dân phản ứng…”.

Nhận định về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Võ Niệm Tường cho rằng để gỡ “nút thắt” nan giải này thì ngoài việc quy hoạch các bãi rác trung chuyển cũng như đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rác, thì ý thức của mỗi người dân trong việc tiết chế xả thải là cần thiết. Mỗi người có thể góp phần giải quyết, hạn chế rác phát sinh qua thực hiện giải pháp “3T”: tiết giảm - tái sử dụng - tái chế rác. Nếu như mỗi gia đình thực hiện đúng hướng dẫn trong phân loại rác tại nguồn thì đã góp sức cùng với cơ quan chuyên trách trong việc tiết kiệm được diện tích đất chôn lấp rác cũng như tiết kiệm chi phí xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước rác, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.

Phấn đấu giảm lượng rác chôn lấp xuống dưới 15%

UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch 9 khu xử lý rác thải với 15 dự án được cấp phép đầu tư, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải thành phân bón, chất đốt, điện với tổng vốn đầu tư lên đến 7.200 tỷ đồng. Quy hoạch này hướng tới phấn đấu giảm lượng rác thải chôn lấp trên toàn tỉnh xuống dưới 15%.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều