Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ 3: Dẹp mãi chẳng xong

03:05, 09/05/2016

Hiện nay, TP.Biên Hòa đang nỗ lực thay da đổi thịt để xứng tầm với đô thị loại I. Thế nhưng, bộ mặt thành phố này lâu nay vẫn còn nhếch nhác, bởi vỉa hè ở nhiều nơi bị chiếm dụng để buôn bán, giữ xe, làm chỗ ăn nhậu…

[links()]Hiện nay, TP.Biên Hòa đang nỗ lực thay da đổi thịt để xứng tầm với đô thị loại I. Thế nhưng, bộ mặt thành phố này lâu nay vẫn còn nhếch nhác, bởi vỉa hè ở nhiều nơi bị chiếm dụng để buôn bán, giữ xe, làm chỗ ăn nhậu…

Trong những ngày gần đây, sau khi Báo Đồng Nai có bài phản ảnh tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán..., lực lượng chức năng của thành phố liên tục ra quân kiểm tra, xử phạt, buộc các hộ kinh doanh ở mặt tiền đường cam kết không lấn chiếm vỉa hè, nên nhiều tuyến đường đã được trả lại đúng chức năng của nó. Tuy nhiên, không ít người nhận định, kết quả này sẽ khó duy trì được lâu.

Vỉa hè trên đường Phạm Văn Thuận (đoạn thuộc phường Bình Đa) bị chiếm dụng hoàn toàn
Vỉa hè trên đường Phạm Văn Thuận (đoạn thuộc phường Bình Đa) bị chiếm dụng hoàn toàn

* Chính quyền địa phương nói gì?

 Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, UBND TP.Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã nâng cao trách nhiệm quản lý, thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường, vỉa hè.

 Theo lãnh đạo các phường, xã thuộc TP.Biên Hòa, thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè là do chính quyền địa phương còn nể nang, nương tay trong việc xử lý.

Nói về việc vỉa hè trên đường Hồ Văn Đại trở thành nơi họp chợ mà Báo Đồng Nai đã thông tin, Phó chủ tịch UBND phường Quang Vinh Điểu Phạm Xuân Bình cho biết, đây là “điểm nóng”, nhưng rất khó xử lý.

Lực lượng chức năng TP. Biên Hòa lập lại trật tự vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Trị
Lực lượng chức năng TP. Biên Hòa lập lại trật tự vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Trị

Theo ông Bình, những người vi phạm phần lớn là dân địa phương thuộc diện nghèo. Do đó, nếu cấm những hộ này sử dụng vỉa hè để buôn bán, họ sẽ chẳng biết làm gì để mưu sinh. Chính vì vậy, phường chọn giải pháp “dung hòa” là cho họ buôn bán trên phạm vi vỉa hè được phép sử dụng tạm. Đồng thời, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, phường đã kiến nghị ngành chức năng đặt biển báo hạn chế xe tải đi vào giờ cao điểm(?!).

Nói về trách nhiệm của đơn vị trong việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Biên Hòa Trần Dương Vũ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với phòng chức năng của thành phố và chính quyền địa phương đi kiểm tra các phường, xã về những vấn đề liên quan đến cảnh quan đô thị. Qua đó cho thấy nhiều địa phương thiếu kinh phí hỗ trợ đội ngũ thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là do nể nang nên không chủ động giải quyết hàng quán lấn chiếm vỉa hè. Từ đó, lực lượng này thiếu tích cực trong công tác giữ gìn và duy trì trật tự mỹ quan đô thị”.

Trong khi đó, Phó trưởng phòng Nội vụ Biên Hòa Nguyễn Thanh Nhã cho rằng đối với những phường, xã không làm tròn trách nhiệm trong công tác bảo đảm mỹ quan đường phố, bảo vệ môi trường… thì căn cứ vào đánh giá của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Nội vụ sẽ báo cáo lên lãnh đạo thành phố đề xuất hướng xử lý. Song thời gian qua, chưa có địa phương nào nằm trong danh sách nhắc nhở vì để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường…

Cách làm ở phường Quang Vinh cũng là một thực tế xảy ra ở một số địa phương khác. Theo đó, các chợ vỉa hè mãi tồn tại là do chính quyền địa phương nương tay cho buôn bán tạm và có thu thuế.

Chính việc thu thuế này đã khiến người chiếm dụng vỉa hè ỷ lại, cho rằng việc mình làm là hợp pháp, bởi đã được địa phương “thông qua”.

* Thiếu sự phối hợp đồng bộ!

 Theo Nghị định 34/CP của Chính phủ, hiện nay mức xử phạt hành vi kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường đã tăng lên 25 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, nếu áp dụng mức phạt cao sẽ có tác dụng răn đe, thế nhưng vì sao vi phạm vẫn không giảm?

Đề cập vấn đề này, ông Lê Ngọc Toàn, Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, nhấn mạnh: “Rất khó xử phạt, vì những người vi phạm thường thuộc dạng buôn thúng bán bưng, người nhập cư có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi bị kiểm tra, họ thường “bỏ của chạy lấy người”, sau đó lại đến địa bàn khác tiếp tục tận dụng vỉa hè để mưu sinh”.

Tình trạng người vi phạm cứ dời hết điểm này đến điểm khác, phổ biến nhất là tại các địa bàn giáp ranh giữa các phường. Khi đội trật tự của phường ra quân là người chiếm dụng vỉa hè sang phường tiếp giáp để “tránh”, sau đó lại tái lấn chiếm khi lực lượng này đi khỏi.

Chính vì vậy, một khi thiếu sự phối hợp thường xuyên của các địa phương giáp ranh trong việc xử lý vi phạm lòng, lề đường thì khả năng thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn lâu mới thực hiện tốt.

                                                                                        Bài và ảnh: Kim Liễu

Xem tiếp Kỳ cuối: Không thể chấp nhận đường phố nhếch nhác

Tin xem nhiều