Tôi có người cháu đang ôn thi đại học. Mới đây, trong lần trò chuyện với tôi, cháu hỏi: "Dì ơi, sao dì lại chọn nghề giáo? Nghe nói dì học giỏi, mà chọn nghề này thì cuộc sống khó khăn vì thu nhập thấp". Tôi cười nói với cháu, do tôi muốn làm cô giáo. Còn tiền bạc ai không thích, nhưng giờ này nếu được chọn lựa tôi vẫn chọn nghề giáo.
Tôi có người cháu đang ôn thi đại học. Mới đây, trong lần trò chuyện với tôi, cháu hỏi: “Dì ơi, sao dì lại chọn nghề giáo? Nghe nói dì học giỏi, mà chọn nghề này thì cuộc sống khó khăn vì thu nhập thấp”. Tôi cười nói với cháu, do tôi muốn làm cô giáo. Còn tiền bạc ai không thích, nhưng giờ này nếu được chọn lựa tôi vẫn chọn nghề giáo.
Khi nghe tôi nói, cháu ngẫm nghĩ một lát rồi lại hỏi: “Vậy dì nghĩ thế nào nếu cháu chọn kinh tế luật?”. Tôi bảo với cháu rằng hãy trả lời câu hỏi cho chính mình. Nếu cảm thấy thích lĩnh vực này và đủ sức vào trường đó thì ngại gì mà không thử. Cháu đắn đo, cho biết một số thầy giáo khuyên cháu đừng chọn ngành đó vì khi ra trường khó xin việc. Tôi giải thích: “Đúng là thời buổi bây giờ không phải cứ học ra là xin được việc. Nhưng nếu bảo ngành nào khó hay dễ xin việc thì chưa chính xác. Vì để có việc làm đòi hỏi bản thân mỗi người cần học tốt, nếu chứng minh mình có năng lực, tài giỏi thì ngành nào cũng cần. Điều sợ nhất là chọn nhầm nghề, vì nghề sẽ gắn bó với ta cả đời. Vì vậy, sinh viên chọn theo ngành nào cũng phải xem xét có phù hợp với bản thân không. Cháu nghĩ sao khi ra trường không ít người đã phải đau khổ cả đời với cái nghề mình chọn sai, không hợp với sở thích? Khi đó thì mọi chuyện đã lỡ rồi. Tóm lại, hãy cân nhắc xem mục tiêu của mình là chọn nghề để làm ra nhiều tiền hay kiếm nghề mình yêu thích, vừa sức để dám sống chết với nghề” - tôi khuyên cháu.
Cháu tôi còn kể, một người bạn năm trước rớt đại học liền đi học nghề nấu ăn. Ban đầu, người đó không thích nghề này lắm nhưng sau thì say mê luôn, thậm chí rất hạnh phúc mỗi lần vào bếp. Nhưng bây giờ mẹ cậu ấy bắt phải học đại học, vì nghề nấu ăn chẳng có gì đáng tự hào. Theo người mẹ, xã hội bây giờ mà không có bằng đại học thì xấu hổ lắm. Nghe xong câu chuyện, tôi cho rằng bạn cháu đã chọn đúng nghề nên mới có những cảm xúc như vậy. Chuyện học nữa là rất đáng trân trọng, song chẳng có nghề nào hèn mọn mà mọi nghề đều cao quý, chỉ cần làm việc hết mình là được...
Theo tôi, lựa chọn nghề phù hợp với nguyện vọng là chuyện trọng đại đối với học sinh lớp 12. Người lớn nếu được nhờ tư vấn thì xin hãy khuyên các em cần bình tĩnh, sáng suốt chọn cho mình ngành nghề đúng với sở thích, năng lực bản thân. Sự lựa chọn nào cũng có giá của nó nhưng không thể chần chừ, thiếu quyết đoán dễ dẫn tới chỗ bỏ mất cơ hội thực hiện đam mê.
Nguyễn Thị Bích Nhàn (tỉnh Phú Yên)