Hơn 2.600 hécta cây trồng, gồm: quýt, xoài, chôm chôm tại ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng (huyện Định Quán) đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn gay gắt dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng…
Hơn 2.600 hécta cây trồng, gồm: quýt, xoài, chôm chôm tại ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng (huyện Định Quán) đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn gay gắt dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng…
Con suối nhỏ duy nhất cứu nhiều vườn cây ở tổ 4, ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, huyện Định Quán đang cạn dần. |
Do hạn hán kéo dài, nông dân không có nước tưới khiến nhiều vườn cây ở xã Túc Trưng đang héo dần mỗi ngày. Điều đáng nói, đây đang là thời điểm để các loại cây trái ra hoa, đậu quả hoặc vào mùa thu hoạch nên rất cần tưới nước thường xuyên.
* Cây khô, trái rụng
Khu vực lòng hồ Trị An ở tổ 4, ấp Suối Dzui những ngày qua chộn rộn hẳn khi nông dân nóng ruột ra bờ hồ tìm cách đưa nước về vườn cây. Từ cách xa hồ vài trăm mét đã nghe tiếng máy nổ bơm nước vang rền cả khu vực.
Ông Điểu Văn Đặng, dân tộc Chơro, ngụ tổ 4, cho biết khu vực lòng hồ Trị An năm nay cạn khô. Theo ông Đặng, từ trước tới giờ chưa bao giờ có tình trạng này xảy ra ở vùng này. Trước tình hình nắng hạn khốc liệt, các hộ dân ở xã Túc Trưng có rẫy quanh lòng hồ phải đầu tư máy bơm nước đặt từ con suối nhỏ gần đáy lòng hồ để bơm nước về tưới cho vườn cây. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây nước trong suối cũng cạn dần khiến việc đưa nước về vườn càng trở nên khó khăn. Nếu muốn có nước, nông dân phải kéo thêm ống ra xa khoảng vài trăm mét nữa mới lấy được. Do không còn khả năng đầu tư nên ông Đặng đành buông xuôi, mặc cho vườn bưởi khô héo. “Nắng hạn kéo dài từ đầu năm đến nay đã làm gia đình tôi bỏ chi phí khá nhiều. Nhưng nay thì hết khả năng cứu vườn bưởi rồi, buộc phải bỏ vườn đi làm thuê kiếm sống qua ngày” - ông Đặng buồn bã nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết tình trạng khô hạn đang khá căng thẳng trên toàn huyện. Những ngày qua, lãnh đạo huyện cùng một số ngành chức năng đã đi khảo sát thực địa tại những nơi hạn hán, nhằm sớm tìm phương án khắc phục cho bà con. |
Đứng trước con suối “vàng”, ông Điểu Thành, Tổ trưởng tổ 4, ấp Suối Dzui, xã Túc Trưng, than: “Trong những ngày nắng hạn vừa qua, con suối này đã cứu sống các vườn cây, nhất là những hộ trồng quýt trên diện tích 3-4 hécta. Song nước trong suối hiện đã cạn kiệt nên bà con đang rất lo vì không biết lấy nước đâu tưới cho cây trong những ngày tới. Mấy ngày trước, khu vực suối lúc nào cũng có trên 20 máy bơm chạy cả ngày lẫn đêm, nay chỉ còn hơn 10 máy. Những hộ rút máy bơm về là do không còn khả năng đeo bám nên bỏ vườn, đi tìm việc làm thuê.
Nhiều vườn quýt, bưởi, xoài của dân ở Túc Trưng giờ đang có dấu hiệu khô héo do thiếu nước, cây xơ xác nhưng chẳng thấy bóng người chăm sóc. Ông Trần Văn Tuấn, một hộ dân trồng gần 3 hécta quýt ở khu vực này, chia sẻ dù biết trước năm nay sẽ khô hạn nhưng chẳng ai ngờ lại bị hạn nặng như vậy. Khoảng 3 tháng nay, gia đình ông Tuấn mỗi ngày phải chi khoảng 200 ngàn đồng để kéo dài thêm ống nước mới đưa được nước từ suối về rẫy cách khoảng hơn 1km. “Tôi chỉ tưới cầm chừng để vườn cây không bị chết. Đáng buồn là cây vẫn bị héo khô nên trái rụng do không đủ nước. Phần trái thu hoạch được thì mất giá do xấu và không đều nhau. Gia đình tôi đang loay hoay không biết làm sao khi những ngày tới, nước suối để bơm về vườn cũng không còn” - ông Tuấn trăn trở.
* Cần những giải pháp cấp bách
Tình trạng khô hạn tại khu vực xã Túc Trưng đã kéo dài khoảng 3 tháng nay. Hơn 2,6 ngàn hécta đất nông nghiệp đang có nguy cơ chết dần, nên để cứu cây trồng các hộ dân đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua vật tư bơm nước từ suối cách vườn cây từ vài trăm mét đến trên 1km. Không ít hộ gia đình còn thuê thợ tìm nguồn nước từ giếng khoan cũng không thành công. Xót xa nhất phải kể đến hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Chơro vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện cứu rẫy cho gia đình. Không chỉ thiếu nước tưới cây, mà ngay nước sinh hoạt cũng khan hiếm không kém. Thời gian gần đây, người dân phải mua 1m3 nước với giá 70 ngàn đồng.
Một vườn xoài ở xã Túc Trưng bị khô héo do không có nước tưới. |
Theo ông Nguyễn Hồng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, khu bảo tồn đang gấp rút phối hợp cùng Điện lực Trị An và chính quyền địa phương khảo sát tại những khu vực khô hạn gay gắt. Sau đó khu bảo tồn sẽ trình UBND tỉnh xin ý kiến về phương án khắc phục hạn hán tại các địa phương quanh khu vực hồ Trị An. |
Trước khó khăn của người dân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Túc Trưng Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết để khắc phục tạm thời tình trạng khô hạn, chính quyền địa phương ngoài việc báo cáo và kiến nghị UBND huyện Định Quán tìm cách hỗ trợ, xã còn chủ động trích nguồn kinh phí để thuê máy móc tạo một số hố chứa nước bơm từ sông La Ngà lên. Từ các hố này, nông dân sẽ lấy nước đưa về vườn cây. Riêng ở khu vực ấp Suối Dzui, do khoảng cách từ sông đến rẫy của người dân khá xa, muốn đầu tư phải có kinh phí nhiều nên xã đã kiến nghị các cấp, các ngành nhanh chóng xem xét, có phương án khả thi để giải tỏa khó khăn về nước tưới cho người dân. “Nông dân không thể thiếu nước tưới vườn cây, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vì chỉ ít ngày không tưới, chắc chắn cây sẽ chết. Thậm chí nếu có nước nhưng tưới không đủ thì cây không cho năng suất, hoặc sau này sẽ phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Dù việc xã cho đào hố gần khu lòng hồ để chứa nước là chưa đúng quy định, nhưng đây là phương án duy nhất để giúp dân. Nếu chờ giải pháp cứu nguy cho hàng ngàn hécta vườn cây thì tài sản của bà con bị thiệt hại sẽ vô cùng lớn” - bà Dung bộc bạch.
Xuân Sang - Ngọc Liên