Mùa khô năm nay, do hạn hán gay gắt nên nhiều nơi trong tỉnh, kể cả TP.Biên Hòa đã diễn ra tình trạng người dân tự ý khoan giếng để lấy nước sử dụng. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông Trần Thanh Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên nước Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết:
Thiết bị khoan giếng của một cơ sở dịch vụ tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Ảnh: Thanh Sơn |
Mùa khô năm nay, do hạn hán gay gắt nên nhiều nơi trong tỉnh, kể cả TP.Biên Hòa đã diễn ra tình trạng người dân tự ý khoan giếng để lấy nước sử dụng. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông Trần Thanh Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên nước Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết:
- Trước thực trạng hạn hán gay gắt trong thời gian gần đây đã dẫn đến nguồn nước mặt và nước ngầm bị suy giảm tại một số địa phương trong tỉnh, làm thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cục bộ nhiều nơi. Sở Tài nguyên - môi trường sẽ tiến hành kiểm tra, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa đẩy mạnh công tác giám sát và quản lý tài nguyên nước ở địa phương, đặc biệt là việc khoan giếng, khai thác nguồn nước ngầm mà không có giấy phép.
* Việc khai thác nguồn nước ngầm có cần phải xin phép cơ quan chức năng không, thưa ông?
- Đối với việc khai thác nước dưới đất không phép là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước và sẽ bị xử lý. Bởi khai thác tràn lan nguồn nước ngầm không theo quy định sẽ làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Khi khoan giếng, khai thác nguồn nước không theo quy hoạch, quy trình, kỹ thuật và mang tính tự phát sẽ gây suy giảm tiềm năng. Trong khi nguồn nước bổ cập cho các tầng chứa nước không kịp thời sẽ gây thiếu nước vào mùa khô. Nếu khai thác quá mức có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn nước và gây sụt lún cục bộ do không có tầng chứa nước chống đỡ. Ngoài ra, hầu hết cơ sở khoan giếng không có giấy phép hành nghề không am hiểu về địa chất thủy văn nên khi khai thác không đúng tầng chứa nước thì khi lấy nước ở tầng nông sẽ dẫn đến việc không có nước hoặc nước có lưu lượng thấp, chất lượng nước không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Trường hợp sau khi khoan nhưng không khôi phục lại lỗ khoan như hiện trạng ban đầu thì chất bẩn rơi vào giếng gây ô nhiễm tầng chứa nước.
* Thưa ông, thực trạng sử dụng giếng nước trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao?
- Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 346.429 giếng khoan đang sử dụng và 3.042 giếng không sử dụng. Trong đó, TP.Biên Hòa chỉ mới thống kê số lượng giếng của 15 phường, xã; huyện Tân Phú mới tổng hợp 17 xã, còn TX.Long Khánh đang thực hiện điều tra giếng trên địa bàn nên sử dụng số liệu của năm 2012. Riêng huyện Trảng Bom là địa phương có số lượng giếng đang được sử dụng nhiều nhất với 52.485 giếng (gồm 48.788 giếng khoan và 3.679 giếng đào). Đây cũng là địa phương có số giếng không được sử dụng nhiều nhất tỉnh với 879 giếng.
Hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở chăn nuôi… không xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng tài nguyên nước phải lắp đồng hồ đo lưu lượng nước, đăng ký tờ khai sử dụng tài nguyên nước gửi về UBND huyện để theo dõi, quản lý, giám sát. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra các cơ sở hành nghề khoan giếng trên địa bàn, yêu cầu những nơi đó phải xin giấy phép hoạt động khoan giếng theo đúng quy hoạch tài nguyên nước. |
Thực hiện quy định của Bộ Tài nguyên - môi trường trong thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trám lấp tổng số 625 giếng không sử dụng của 8 huyện. Đối với 3 huyện còn lại: Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú sẽ tổ chức trám lấp từ nay đến năm 2017.
* Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng và người sử dụng cần làm gì để bảo vệ và khai thác tầng nước ngầm hiệu quả, thưa ông?
Một hộ dân ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) bơm nước từ giếng khoan lên sử dụng (ảnh minh họa). Ảnh: KLIỄU |
- Theo tôi thì ngoài công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong cộng đồng dân cư về việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường thì các địa phương cần phối hợp với người dân nắm bắt kịp thời, phát hiện và xử lý vi phạm các trường hợp khoan giếng, khai thác nước dưới đất không có giấy phép. Để bảo vệ nguồn nước, người dân không nên xây dựng các hầm chứa chất thải biogas, hầm tự hoại… gần giếng, trang bị nắp che đậy các miệng giếng để tránh các nguồn gây ô nhiễm có thể rơi xuống giếng. Đối với các giếng bị hư hỏng không sử dụng được, các giếng chưa được trám lấp hoặc lấp không đảm bảo kỹ thuật yêu cầu người dân không được vứt rác, xác động vật xuống giếng, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn trám lấp theo đúng quy định, tránh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)