Hơn 700 công nhân phải nghỉ việc, sản xuất cầm chừng vì thiếu vốn, cả ngàn tấn hạt điều bị hư hại do tranh chấp kéo dài gần 5 năm chưa được giải quyết...
Hơn 700 công nhân phải nghỉ việc, sản xuất cầm chừng vì thiếu vốn, cả ngàn tấn hạt điều bị hư hại do tranh chấp kéo dài gần 5 năm chưa được giải quyết...
Tình trạng này đang diễn ra tại Công ty TNHH một thành viên thương mại - dịch vụ Cường Thịnh Phát (gọi tắt là Công ty Cường Thịnh Phát) ở xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc). Nguyên nhân bắt nguồn từ một hợp đồng mua bán bất thành giữa Công ty Cường Thịnh Phát và một công ty nước ngoài, dẫn đến khiếu kiện kéo dài khiến công ty gặp khó.
Do thiếu vốn mua nguyên liệu nên máy móc tại Công ty TNHH một thành viên thương mại - dịch vụ Cường Thịnh Phát đang phải bỏ không. |
Hiện tại, khu vực nhà xưởng chế biến hạt điều của Công ty Cường Thịnh Phát với hàng chục máy móc để tách vỏ cứng, hấp, sàng… vắng bóng công nhân. Cả xưởng hiện chỉ còn vài chục người bóc tách, vận chuyển hạt điều. Anh Thổ Thành, dân tộc Chơro, ngụ tại xã Suối Cao, đã làm công nhân cho Công ty Cường Thịnh Phát nhiều năm nay. Trước đây, mỗi tháng anh Thành nhận lương từ 7-8 triệu đồng. Gia đình anh Thành còn được công ty hỗ trợ miễn phí nhà trọ nên cuộc sống khá ổn định. Tuy nhiên, khoảng 4 năm nay, thu nhập của anh giảm, chỉ còn 3-4 triệu đồng/tháng nên hàng tháng anh Thành phải cắt giảm những chi tiêu cá nhân.
Hiện hàng tháng Công ty Cường Thịnh Phát phải đóng thêm một khoản tiền lãi do vay bên ngoài để ký gửi quỹ tại Eximbank. “Máy móc bỏ không, công nhân thì mất việc còn công ty thiếu vốn hoạt động, đang có nguy cơ phá sản. Trong khi đó vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Chúng tôi mong các ngành chức năng sớm kết thúc, yêu cầu ngân hàng chuyển tiền lại cho công ty để chúng tôi có vốn làm ăn. Công nhân trở lại làm việc như trước” - ông Khuất Hữu Tám, Phó giám đốc Công ty Cường Thịnh Phát, cho biết thêm. |
Từ ngày công ty xảy ra tranh chấp, vốn huy động không nhiều nên nguồn hàng nhập về giảm dần. Số công nhân nghỉ việc ngày một tăng. Phần lớn người lao động làm trong công ty đến từ các tỉnh miền Tây. Để công nhân yên tâm sản xuất, công ty đã xây dựng gần 40 phòng trọ cho công nhân ở miễn phí. Đến nay, số phòng trọ bỏ không gần hết do công nhân đã nghỉ việc.
Vì ít hàng, công nhân làm việc thủ công. |
Nói về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Khuất Hữu Tám, Phó giám đốc Công ty Cường Thịnh Phát, cho biết vào tháng 7-2011 công ty thực hiện giao dịch mua 1 ngàn tấn hạt điều với một công ty của Singapore. Phương thức thanh toán cho lô hàng này thông qua ngân hàng đại điện giữa bên mua và bên bán. Ngân hàng đại diện Công ty Cường Thịnh Phát là Eximbank Đồng Nai và ngân hàng đại diện bên bán là Nova Scotia (của Singapore). Theo đó, Eximbank Đồng Nai đã mở 1 tài khoản L/C trả chậm (Letter of Credit là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính) cho Công ty Cường Thịnh Phát chuyển khoản tiền tương ứng số tiền cần mua lô hàng là 1,31 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng). Phương thức này thực hiện theo quy tắc chung quốc tế (UCP600). Sau khi nhận 1 ngàn tấn hạt điều, Công ty Cường Thịnh Phát mời nhà kiểm định và phát hiện hạt điều không đạt chất lượng như thỏa thuận nên đã khởi kiện bên bán ra tòa và thắng kiện. Dù đã thắng kiện, song đến nay Công ty Cường Thịnh Phát vẫn chưa được nhận số tiền đã ký quỹ tại Eximbank. Sự chậm trễ này đã khiến cho công ty thiếu vốn mua nguyên liệu, nguồn hàng giảm dần, công nhân không có việc làm.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Eximbank Đồng Nai, cho biết L/C trả chậm mà Công ty Cường Thịnh Phát mở tại Eximbank dựa trên quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ quốc tế. Theo quy tắc này, thì L/C trả chậm là một dạng cam kết hoàn toàn độc lập với hợp đồng mua bán. Trước khi phát sinh khiếu kiện, Công ty Cường Thịnh Phát đã ký nhận xác nhận đầy đủ các bộ chứng từ mà bên bán đưa ra. Trên cơ sở đó, Eximbank đã tiến hành giao dịch với ngân hàng đại diện bên bán thì phải tuân theo mọi quy tắc quốc tế đưa ra. Theo quy tắc này thì toàn bộ số tiền trên đã thuộc về ngân hàng đối tác. Từ khi Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh ban hành biện pháp khẩn cấp yêu cầu Eximbank tạm dừng việc thanh toán cho ngân hàng bên mua đã khiến Eximbank gặp nhiều khó khăn do liên tục bị phía ngân hàng bên mua yêu cầu chuyển tiền, và họ sẵn sàng kiện Eximbank bất cứ lúc nào ra tòa án quốc tế. Khi đó uy tín của hệ thống ngân hàng Việt Nam và Eximbank đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mang tiếng không thực hiện theo quy tắc quốc tế. |
Minh Quân