Từ đầu tháng 3 đến nay, tại một số bãi đất trống trong khu dân cư ở TP.Biên Hòa có từng nhóm người đến thả diều ngay dưới đường điện cao áp, kể cả nơi biển cấm…
Từ đầu tháng 3 đến nay, tại một số bãi đất trống trong khu dân cư ở TP.Biên Hòa có từng nhóm người đến thả diều ngay dưới đường điện cao áp, kể cả nơi biển cấm…
Nhiều người vô tư thả diều ngay khu vực có biển báo cấm tại chân cầu Bửu Hòa, TP.Biên Hòa. |
Thời điểm hiện nay được xem là mùa thả diều, nên mỗi buổi chiều tại bãi đất trống ở các khu vực: cầu Bửu Hòa, công viên Phan Văn Trị, đường Võ Thị Sáu… lúc nào cũng nhộn nhịp với vô số con diều màu sắc rực rỡ và đủ loại hình thù, như: rồng, diều hâu, cá mập… tung bay trên bầu trời. Người chơi diều cũng đa dạng về độ tuổi, nhưng phần lớn tìm đến thú vui này để giải trí cùng con nhỏ.
Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa Nguyễn Phú Cường cho biết, xã đã có kế hoạch tuyên truyền vận động người dân không được thả diều trong khu dân cư và những nơi gần đường điện. Tại những địa điểm có biển cấm, thời gian tới xã sẽ tăng cường kiểm tra, không để người dân tự do thả diều nhằm tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Đại diện Điện lực Biên Hòa cho biết thêm, nếu phát hiện tình trạng người dân cố tình vi phạm luật khi thả diều ở những khu vực nguy hiểm, sẽ lập biên bản vi phạm và chuyển giao cho cơ quan chức năng xử phạt theo quy định. |
Điều đáng nói là việc thả diều diễn ra gần những con đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Nhiều em nhỏ do chăm chú vào con diều bay trên cao nên đôi lúc băng sang đường bất ngờ để theo hướng bay của diều nên rất nguy hiểm. Có lúc diều căng gió bị đứt dây, rơi xuống đường vướng vào xe máy, hoặc quấn cả vào cổ người đang điều khiển xe trên đường.
Không chỉ nguy hiểm về an toàn giao thông, những con diều còn ảnh hưởng đến lưới điện gần khu vực thả diều. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp đường dây điện bị chập cháy, nổ do diều vướng phải. Trước những rủi ro rình rập, gần đây Điện lực Biên Hòa đã lắp đặt một số biển cấm thả diều ở những nơi có mạng lưới điện cao áp đi qua. Tuy nhiên, nhiều người đã phớt lờ điều này. Tại khu đất trống gần chân cầu Bửu Hòa, chúng tôi chứng kiến nhiều người hào hứng thả diều lên không trung, trong khi đường vào khu đất này có biển cấm của ngành điện, ghi rõ “Cấm thả diều”. Khi được hỏi vì sao lại thả diều ở khu vực có biển cấm, một số người vô tư nói rằng vì chỗ này trống, gió lồng lộng thì diều mới lên cao được. Chính sự thờ ơ của những người thả diều ở dưới đường dây điện đã vô tình gây ra những sự cố đáng tiếc.
Nhân viên Điện lực Biên Hòa đang tháo gỡ những con diều vướng vào đường dây điện (ảnh do Điện lực Biên Hòa cung cấp). |
Nói về sự nguy hiểm từ việc thả diều, đại diện Điện lực Biên Hòa cho biết một khi diều vướng vào đường dây điện có thể đe dọa tính mạng người thả diều hoặc những người ở xung quanh. Vì đường dây 220kV lúc dẫn điện xuống đường dây hạ thế 0,4kV mà vướng phải vật cản có thể gây phóng điện đột ngột khiến cho những người đứng gần đó bị phỏng, thậm chí chết người. Tiếp đến là tổn thất do hư hỏng thiết bị điện, dẫn đến mất điện đột ngột làm ảnh hưởng trong sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp.
Khoản 3, điều 4, Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26-2-2014, quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện nghiêm cấm: thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. Ngoài ra, tại khoản 2, điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội nêu rõ: phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời” trong thành phố, thị xã hoặc ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các khu vực kho, bãi, sân bay… |
Xuân Sang