* Ông Đỗ Bá Nghiệp (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, TP.Biên Hòa): Đó là mất mát lớn với người dân Biên Hòa
[links()]
* Ông Đỗ Bá Nghiệp (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, TP.Biên Hòa): Đó là mất mát lớn với người dân Biên Hòa
Cây cầu Ghềnh là một di sản, một biểu tượng quý giá trong lòng người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Cầu Ghềnh sập, đó là một mất mát rất lớn với người dân Biên Hòa về giá trị tinh thần. Cây cầu đã đứng vững hơn 100 năm, trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh và cả giai đoạn đất nước hòa bình, đổi mới sau này. Đúng ra cầu Ghềnh đã hoàn thành sứ mệnh của mình từ lâu, cần có một cây cầu khác thay thế bên cạnh để bảo tồn nó như một công trình lịch sử giá trị. Tiếc là chúng ta đã không thể giữ được nó. Lòng người Biên Hòa sẽ mãi mãi không bao giờ quên hình ảnh cầu Ghềnh gắn bó với 1/3 chặng đường phát triển của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Ông Phạm Văn Minh, bảo vệ chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa): Chờ nghe lại tiếng xe lửa chạy trên cầu Ghềnh
Tôi làm bảo vệ chùa Ông gần cầu Ghềnh khá nhiều năm. Hình ảnh cây cầu Ghềnh, phương tiện xe máy chậm rãi lưu thông trên cầu, tiếng xe lửa ồn ào đã trở nên rất quen thuộc với tôi. Mỗi khi hướng mắt nhìn về phía cây cầu tôi như cảm thấy có gì thoải mái hơn. Cây cầu Ghềnh trăm năm tuổi đã sập thế này, tôi mong sớm có một cây cầu Ghềnh mới mang bóng dáng của cây cầu cũ. Và tôi chờ nghe lại tiếng xe lửa chạy trên cầu Ghềnh mỗi ngày như trước đây.
* Ông Nguyễn Văn Khách (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa): Bàng hoàng khi nhìn cầu sập
Gia đình tôi đang chuẩn bị ăn trưa, bỗng nghe tiếng rầm rầm rất lớn, nghi có tai nạn đường sắt trên cầu, nhưng khi chạy ra thì thấy từng nhịp cầu đổ sập xuống sông, một cảnh tượng rất đáng sợ và bàng hoàng. Hình ảnh cây cầu Ghềnh này hơn 50 năm nay đã gắn bó với tôi và nhiều thành viên trong gia đình. Cầu Ghềnh sập rồi cả nhà tôi ai nấy đều bỏ cả bữa trưa vì buồn, vì tiếc cho một hình ảnh quen thuộc đã không còn nữa.
Công Nghĩa (ghi)