Hàng chục hộ ngư dân hoạt động khai thác thủy sản tại ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (huyện Định Quán) đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề sau khi buộc phải ngưng hoạt động lưới te từ đầu tháng 3 đến nay.
Hàng chục hộ ngư dân hoạt động khai thác thủy sản tại ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường (huyện Định Quán) đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nghề sau khi buộc phải ngưng hoạt động lưới te từ đầu tháng 3 đến nay.
Quang cảnh đìu hiu ở khu bến cá thuộc ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường khi ngư dân không còn làm te. Ảnh: N.LIÊN |
Đây là những hộ dân ký hợp đồng khai thác tại khu vực hồ Trị An với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ngành nghề chính của họ là lưới te bắt cá cơm, cá kìm. Làm te là cách đánh bắt bằng lưới mắt nhỏ gắn với khung hình chữ V khá lớn được đặt trước mũi ghe để xúc cá trên đường đi.
Hồ Trị An có khoảng 133 hộ khai thác thủy sản bằng nghề te. Trong đó, huyện Định Quán chiếm phần lớn với 106 hộ, tập trung tại các xã: Phú Cường, La Ngà, Thanh Sơn. Riêng huyện Vĩnh Cửu có 27 hộ ngư dân tại 2 xã Mã Đà và Phú Lý. |
Những ngày gần đây, quang cảnh khu bến cá thuộc ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường khá đìu hiu bởi hàng chục ghe làm nghề te nằm phơi nắng. Thỉnh thoảng, một vài chủ ghe xuống ngó chừng tài sản, sau đó thất thểu về nhà. Anh Huỳnh Văn Hoàng, chủ ghe te cá cơm đang cuốn lưới đã phơi khô trên ghe nhiều ngày, thổ lộ: “Tôi sắm chiếc ghe mới này được khoảng 3 năm với chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng. Từ ngày ngưng hoạt động đến nay, tôi chưa biết sử dụng ghe vào việc gì. Bởi nghề te đòi hỏi phải có ghe lớn và lưới khác với việc đánh bắt thủy sản thông thường nên một khi đã “phơi lưới” coi như thất nghiệp. Để có những thứ này, tôi phải đi mượn tiền để đầu tư mua sắm dụng cụ hành nghề theo đúng quy cách. 3 năm qua, dù đã làm việc cật lực nhưng gia đình tôi chưa thể hoàn vốn. Nay phải ngưng hoạt động, tôi chưa biết xoay xở thế nào để ổn định cuộc sống”.
Một chiếc lưới te của ngư dân nằm phơi nắng từ đầu tháng 3 đến nay. |
Ấp Bến Nôm 2 có khoảng 50 hộ làm nghề te đều rơi vào cảnh như anh Hoàng. Phần lớn những hộ này đều mượn trước tiền của các chủ vựa thu mua cá để đầu tư mỗi ghe từ 50-100 triệu đồng. Đây là nghề có vốn đầu tư lớn nhất trong số 21 nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An. Phần lớn ngư dân hoạt động nghề te trên hồ Trị An đều có thâm niên lâu năm. Do đó, họ gắn bó với vùng sông nước này như máu thịt nên chẳng ai muốn chuyển nghề khác.
Ngày 7-5-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND, về việc quy định quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An. Theo đó, các loại công cụ, ngư cụ không được phép hoạt động tại hồ Trị An, gồm: đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã cào, lưới mùng kéo bãi, câu kiều và các loại te. |
Anh Nguyễn Thanh Nhân làm nghề te được 17 năm trên lòng hồ Trị An hiện đang rất lo lắng bởi chưa biết phải chuyển đổi nghề như thế nào. Anh Nhân bộc bạch: “Tôi gắn bó với nghề sông nước này từ nhỏ. Bây giờ lên bờ tôi không biết phải làm gì. Nếu tiếp tục bám sông để sống thì tôi phải có vốn đầu tư ngư cụ mới. Trong khi tiền vay cũ còn chưa trả hết thì chủ nợ nào dám cho mình mượn thêm?”. Thực tế, nhiều ngư dân cho rằng họ chấp hành quyết định của tỉnh, nhưng nên cho người dân có thời gian chuẩn bị chuyển đổi nghề bởi phải làm quen với những ngư cụ mới, cách đánh bắt khác, mất ít nhất 1 năm mới rành nghề.
Chợ bến cá tại ấp Bến Nôm 2 thời gian gần đây trở nên vắng vẻ, không nhộn nhịp như trước. |
Nói về tình trạng ngư dân ở ấp Bến Nôm 2 đang lúng túng khi phải chuyển đổi nghề, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên thừa nhận vấn đề này không dễ thay công việc. Tuy nhiên, đây là chủ trương của tỉnh thì người dân phải chấp hành. Để hỗ trợ những hộ dân chuyển sang làm nghề khác, huyện đã đề nghị các ngân hàng hỗ trợ cho ngư dân được vay vốn đầu tư sản xuất, đồng thời đào tạo nghề cho những ai có nhu cầu.
Ngọc Liên