Sự cố sập cầu Ghềnh vào lúc 11 giờ 30 ngày 20-3 làm nhiều người bàng hoàng, sốc, thậm chí nhói đau… là những cung bậc cảm xúc rất rõ của cư dân Biên Hòa, nhất là với những người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.
Sự cố sập cầu Ghềnh vào lúc 11 giờ 30 ngày 20-3 làm nhiều người bàng hoàng, sốc, thậm chí nhói đau… là những cung bậc cảm xúc rất rõ của cư dân Biên Hòa, nhất là với những người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Chính vì vậy, khi được hỏi về cảm nhận nếu mai đây cầu Ghềnh không còn nữa, ai cũng cho rằng chiếc cầu này là biểu tượng văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai nên không thể thay thế bằng một công trình khác…
* Phó giám đốc Sở Xây dựng Lý Thành Phương: Cầu Ghềnh nếu khôi phục lại có thể sẽ giữ được hình dáng cũ
Sinh ra và lớn lên ở cù lao Phố nên hình ảnh cầu Ghềnh dường như đã gắn liền với tâm thức của cá nhân tôi. Khi nghe tin cầu sập, tôi chỉ mong là mình nghe lầm. Đến khi tận mắt chứng kiến thì mới thấy sự thật đau lòng đó là đúng. Nhìn 2 nhịp chiếc cầu bị sập nằm dưới sông mà thấy xót vô cùng.
Đã từ lâu rồi, khi nhắc đến Biên Hòa người ta thường nhớ đến hình ảnh cầu Ghềnh. Đây là công trình không chỉ đẹp về mặt kiến trúc mà còn mang đậm các yếu tố về lịch sử, tâm tư, tình cảm của người dân Biên Hòa, Đồng Nai. Chính vì thế, cầu Ghềnh được xem là biểu tượng văn hóa của Biên Hòa. Những người làm nghề xây dựng như chúng tôi còn gọi nôm na cầu Ghềnh chính là hồn của đô thị. Cầu được xây dựng ở vị trí gắn liền với các công trình cảnh quan khác, như: đền Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương. Đứng bên này sông nhìn sang cù lao Phố sẽ thấy chiếc cầu rất đẹp, rất nên thơ; cộng với màu xanh ở mũi tàu tạo nên điểm nhấn đặc biệt về mặt cảnh quan. Đây là yếu tố mà trong quá trình làm quy hoạch cho TP.Biên Hòa, các đơn vị tư vấn và các nhà quản lý đều đặc biệt lưu ý chuyển tải cầu Ghềnh vào nội dung cần tôn tạo vẻ đẹp vốn có này.
Mấy ngày nay, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về cầu Ghềnh bị sập. Nghe mà nhói lòng. Tuy nhiên, dù có luyến tiếc đến mấy đi nữa thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế là chiếc cầu hiện đã không còn như xưa. Điều mà cá nhân tôi và nhiều người mong muốn là cầu được khôi phục lại và giữ được hình dáng cũ. Đứng ở góc độ chuyên môn, tôi thấy việc phục dựng lại cầu có khả năng làm được vì các nhịp cầu đều làm bằng sắt nên việc kết nối kỹ thuật sẽ không gặp trở ngại nhiều.
* Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Hà Duy Thạch: Phá bỏ cầu sẽ mất đi biểu tượng đã ở trong lòng người dân Biên Hòa
Tôi sống ở Biên Hòa từ nhỏ. Mỗi lần đi qua cầu Ghềnh, mỗi buổi sáng uống cà phê ở quán cóc gần đó, rồi ngồi nhậu với bạn bè từ quán ven sông nhìn ra sông Đồng Nai, thấy những nhịp cầu Ghềnh in trên nền trời xanh sông biếc, thấy sao gần gũi biết chừng nào. Giờ chiếc cầu đã sập, mất đi hình tượng vốn chừng đã quen mắt, quen lòng, tôi thấy tiếc lắm. Bởi cầu Ghềnh không như những chiếc cầu hiện đại khác mà có một thiết kế rất độc đáo cả về hình dáng lẫn kỹ thuật. Người Pháp đã thiết kế cầu theo kiểu cổ điển, các nhịp cầu, dầm cầu gắn kết với nhau không phải bằng những mối hàn, mà bằng từng chiếc đinh tán bắt với nhau một cách rất thủ công.
Tuổi thọ của cầu Ghềnh đã hơn trăm năm, lẽ ra phải được “nghỉ ngơi” từ lâu rồi để “bàn giao” công việc từ lâu gánh vác bằng một chiếc cầu hiện đại khác. Nay nếu phá hẳn để xây cầu hiện đại khác thì người Biên Hòa mất đi một biểu tượng đã ở trong lòng từ rất lâu rồi. Còn nếu phục chế nguyên trạng, cần phải tính toán chi li sao cho phù hợp. Bởi chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phục chế một công trình có thiết kế cổ điển mà lại sử dụng các vật liệu mới để thay thế, sử dụng các kỹ thuật hiện đại để hàn gắn… thì không thể giữ được nét đẹp cổ kính vốn có. Đây là điều các nhà chuyên môn phải xem xét đến.
* Tiến sĩ vật lý Đỗ Tấn Sĩ, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa): Mong được thấy lại bóng dáng chiếc cầu xưa
Hơn 100 năm qua, chiếc cầu Ghềnh chưa từng có sự cố. Trong chiến tranh, cây cầu cũng không gặp bất trắc gì. Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực gần cầu Ghềnh, hàng ngày đi qua cây cầu này như một thói quen của bất cứ người dân Biên Hòa nào sống lâu năm ở đây. Thời gian sau này, khi từ nước ngoài trở về sống ở quê cũ, mỗi lần đứng bên cầu tôi vẫn thấy xà lan qua lại dưới cầu, trong tôi có gì đó không an lòng lắm vì nguy cơ xà lan đụng chân cầu rất cao. Đáng tiếc là tôi đã không nói lên những trăn trở ấy cho những người có trách nhiệm. Khi nghe tin cây cầu bị sập bởi một chiếc xà lan tông vào, tôi rất buồn. Tôi tự trách mình không mạnh dạn nói lên những nguy cơ đã thấy trước đó.
Cầu Ghềnh không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, mà từ lâu đã trở thành biểu tượng đẹp của TP.Biên Hòa. Chiếc cầu góp phần tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên sông nước hài hòa vô cùng lý thú đối với dòng sông Đồng Nai. Nay cây cầu đã sập trong tích tắc, cái hồn của dòng sông đã bị hủy hoại. Tôi cho rằng, mọi chiếc cầu nói chung và cầu Ghềnh nói riêng không đơn thuần là để đi lại giữa 2 bờ, mà sâu sắc hơn là trở thành đặc trưng riêng cho từng vùng. Cầu Ghềnh lâu nay đã trở thành nét riêng cho Biên Hòa nên tôi và người dân Biên Hòa mong muốn sớm được thấy lại hình dáng cây cầu cũ. Tôi nghĩ điều này có thể làm được nếu quyết tâm sửa chữa, phục dựng lại hình dáng chiếc cầu như trước.
Kim Liễu - Ngọc Liên - Phương Liễu (ghi)