Dù đã nhiều lần gửi thông báo của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về việc tiếp nhận đơn khiếu nại của mình cho cơ quan thi hành án huyện Tân Phú, nhưng tài sản của gia đình ông Nguyễn Đình Thạnh Anh và bà Hồ Thị Hoa tại ấp 1, xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) vẫn bị phát mãi.
Dù đã nhiều lần gửi thông báo của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về việc tiếp nhận đơn khiếu nại của mình cho cơ quan thi hành án huyện Tân Phú, nhưng tài sản của gia đình ông Nguyễn Đình Thạnh Anh và bà Hồ Thị Hoa tại ấp 1, xã Trà Cổ (huyện Tân Phú) vẫn bị phát mãi.
Bà Hồ Thị Hoa với chồng hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan chức năng nhiều năm qua. Ảnh: M.Quân |
Quá trình cưỡng chế thi hành án, gia đình ông Anh phản ứng quyết liệt. Song phần tài sản bị thi hành là đất rẫy nhà ông Anh đã được cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục… trên giấy.
* Thi hành án… lạ đời
Theo luật định, khi tiến hành cưỡng chế tài sản để thi hành một bản án thì cơ quan thi hành án phải kê biên tài sản, tổ chức đấu giá và niêm phong tài sản để giao cho bên được thi hành án. Tuy nhiên, đối với trường hợp của gia đình ông Anh, cơ quan thi hành án huyện Tân Phú đã bỏ qua những quy định dẫn đến phát sinh khiếu nại trong thời gian qua.
Ông Anh cho rằng, trong vụ kiện tranh chấp đòi lại tài sản mà tòa phúc thẩm xử gia đình ông là bị đơn thua kiện vào tháng 9-2010. Sau khi bản án được tuyên, ông Anh gửi đơn khiếu nại lên TAND tối cao và nhận được thông báo phản hồi đã nhận đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau khi nhận được thông báo, ông Anh đã gửi thông báo này đến cơ quan thi hành án huyện Tân Phú để yêu cầu hoãn thi hành án, chờ giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của ông Anh đều bị từ chối.
Theo luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư Đồng Nai), việc thi hành bản án đã có hiệu lực phải thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật. Theo đó, tài sản thi hành án phải được lập biên bản, kê biên, bán đấu giá… Trường hợp của ông Nguyễn Đình Thạnh Anh và bà Hồ Thị Hoa, nếu họ đã có văn bản gửi cơ quan thi hành án thông báo TAND tối cao đã thụ lý hồ sơ vụ án theo trình tự giám đốc thẩm thì cơ quan chức năng nên tạm dừng việc thi hành bản án để chờ kết luận của TAND tối cao. Rắc rối ở đây là tài sản thi hành án gia đình ông Anh vẫn đang sử dụng, trong khi giấy tờ liên quan đã mang tên người khác thì phải xem lại quá trình thi hành án vào thời điểm nào, trình tự thực hiện bản án đúng hay sai. Việc TAND tối cao quyết định hủy bỏ bản án phúc thẩm, cho thấy nội dung vụ việc phải được đánh giá lại từ đầu. |
Trong quá trình thực hiện bản án, gia đình ông Anh nhất quyết bảo vệ tài sản của mình, không cho ai đến gần thửa đất phải thi hành án. Dù đã “cố thủ” trong đất nhà mình nhưng tài sản của gia đình ông vẫn bị thi hành. Cụ thể là cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản cưỡng chế thi hành án, kê biên bán đấu giá tài sản, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Anh và bà Hoa, lập hợp đồng bán đất cho người mua đấu giá thành và hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp này… Lạ ở chỗ, cho đến nay gia đình ông Anh vẫn canh tác bình thường tại thửa đất trên, trong khi phần đất này đã mang tên người khác. Chính việc làm lạ đời của cơ quan thi hành án huyện Tân Phú đã dẫn đến tình trạng ông Anh khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua.
* Phát sinh phức tạp…
Tháng 11-2013, TAND tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm mà gia đình ông Anh bị thua, yêu cầu TAND huyện Tân Phú xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì bản án phúc thẩm đã được thi hành (trên giấy). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông Anh đã bị hủy.
Mới đây, gia đình ông Anh đang vướng thêm vụ kiện từ một người khác với nội dung yêu cầu trả lại đất cho người đó vì lý do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên họ. Trong khi hiện thời, gia đình ông Anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi để yêu cầu cơ quan Thi hành án huyện Tân Phú phục hồi sổ đỏ, trả lại công bằng cho gia đình ông nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tại buổi tiếp xúc cử tri cuối năm 2015, trả lời về vấn đề này đại diện cơ quan Thi hành án huyện Tân Phú, cho biết quá trình thi hành bản án trên diễn ra đúng thủ tục. Quyết định của TAND tối cao ban hành sau khi bản án phúc thẩm đã được thi hành. Chính vì vậy, những diễn biến phát sinh sau này không còn thuộc trách nhiệm của đơn vị thi hành án nữa. Do đó, yêu cầu của gia đình ông Anh trong việc phục hồi sổ đỏ thì cơ quan chuyên trách không có trách nhiệm thực hiện. “Tôi không đồng ý với nội dung trả lời của cơ quan thi hành án huyện Tân Phú. Khi nhận được thông báo của TAND tối cao về việc đã nhận đơn khiếu nại, tôi đã lập tức làm đơn gửi đơn vị thi hành án ngay nhưng không được chấp nhận. Rõ ràng cơ quan thi hành án đã phớt lờ cả ý kiến của TAND tối cao. Nhiều năm qua tôi đến gõ cửa các cơ quan chức năng để mong sớm được phục hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cũng chưa được xem xét. Trong khi đó, tôi tiếp tục bị chủ đất mới kiện ra tòa đòi lại tài sản. Không biết vụ việc còn kéo mãi đến bao giờ?” - ông Anh thất vọng nói.
Minh Quân