Báo Đồng Nai điện tử
En

Điệp khúc trồng - chặt cây cà phê

10:02, 22/02/2016

Cách nay khoảng 1 tháng, nhiều vườn cà phê ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) bị nông dân phá bỏ để trồng các loại cây khác. Sau tết, tình trạng này tiếp tục được lặp lại khiến dư luận không khỏi băn khoăn…

Cách nay khoảng 1 tháng, nhiều vườn cà phê ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) bị nông dân phá bỏ để trồng các loại cây khác. Sau tết, tình trạng này tiếp tục được lặp lại khiến dư luận không khỏi băn khoăn…

 Một nhà vườn ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom đang cưa bỏ cây cà phê. Ảnh: H.Lĩnh
Một nhà vườn ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom đang cưa bỏ cây cà phê. Ảnh: H.Lĩnh

Theo nhiều nông dân, việc chặt bỏ cây cà phê là do hiện tại nhiều loại cây trồng khác, như: tiêu, chuối, bưởi da xanh đang được giá, có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hécta/ năm, trong khi giá cà phê ngày càng xuống thấp và hiện chỉ còn khoảng 30 ngàn đồng/kg. Trước tình hình này, nhiều nông dân không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê đã gắn bó với mình hàng chục năm qua.

Gia đình ông Lỷ A Cẩu, ngụ xã Bàu Hàm quyết định chặt bỏ 2 hécta cà phê gần 7 năm tuổi để trồng chuối và tiêu. Theo ông Cẩu, tiền thu hoạch từ việc bán cà phê mấy vụ vừa qua không đủ trả chi phí phân bón và nhân công. Trong khi đó, nếu trồng chuối mỗi năm nông dân thu hoạch được 2-3 vụ, cho dù giá chuối xuống thấp thì cũng hơn giá cà phê hiện tại. Bởi cà phê chỉ cho được một vụ/năm, chưa kể cây năng suất thấp, mất mùa thì người trồng lỗ nặng. Tương tự, gia đình ông Gịp A Sáng sau khi thu hoạch gần 2 hécta cà phê 8 năm tuổi liền cho san phẳng vườn cây để trồng bưởi và chuối. Ông Sáng cho biết cà phê ngày càng rớt giá nên người dân trên địa bàn không mặn mà với loại cây này mà chuyển đổi sang cây trồng khác hứa hẹn hơn.

Trong nhiều thập niên qua, cà phê và tiêu là cây trồng chủ lực ở xã Bàu Hàm với diện tích trên 1,5 ngàn hécta, trong đó cà phê chiếm gần 1 ngàn hécta. Tuy nhiên, chỉ mới hơn 1 tháng nhưng đã có hơn 200 hécta cà phê bị phá bỏ, còn diện tích bưởi, chuối tăng cao. Nhận định về tình hình nông dân chặt bỏ cây cà phê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm Chu Văn Cang cho rằng do thiếu sự liên kết giữa người trồng và cơ quan chuyên môn trong việc định hướng phát triển các cây trồng chủ lực ở địa phương. Mặt khác, vì không có sự thống nhất giữa quy trình đầu tư vùng chuyên canh, chưa tổ chức được hệ thống tiêu thụ nông sản hiệu quả nên thị trường đầu ra luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến điệp khúc “được mùa, rớt giá; được giá, mất mùa” tồn tại nhiều năm qua.

Thực tế, đây không phải lần đầu nông dân phá bỏ vườn cây cà phê để trồng loại cây khác. Điều này cho thấy một bộ phận làm nông vẫn đang loay hoay tự tìm hướng đi cho mình. Nói cách khác, họ không được hướng dẫn cụ thể đối với từng loại cây trồng thích nghi cho từng vùng để đem lại lợi nhuận cao, do vậy mạnh ai nấy tự… bơi là chính. Vì thế, sự định hướng về khoa học cho nông dân để phát triển các loại cây trồng phù hợp; tích cực hỗ trợ nông dân giống mới, nguồn vốn… là vấn đề cấp bách của các ngành chức năng. Được như thế, nhà nông mới có thể tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “chặt - trồng” cây nông sản như đã và đang diễn ra ở một vài địa phương trong tỉnh.

Hồng Lĩnh (huyện Trảng Bom)

 

Tin xem nhiều