2 năm trước tôi đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đã đứng trên ngọn núi Thới Lới ngắm mênh mông biển cả, thắp nhang trước ngôi mộ gió và nghe bô lão ở đây kể về những nấm mộ chiêu hồn của các nghĩa sĩ đi Hoàng Sa theo lệnh vua ban nhằm khẳng định chủ quyền đất nước.
2 năm trước tôi đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đã đứng trên ngọn núi Thới Lới ngắm mênh mông biển cả, thắp nhang trước ngôi mộ gió và nghe bô lão ở đây kể về những nấm mộ chiêu hồn của các nghĩa sĩ đi Hoàng Sa theo lệnh vua ban nhằm khẳng định chủ quyền đất nước. Đến, nghe và tìm hiểu truyền thống của một vùng đất của những đội hùng binh năm xưa vượt gió to, sóng dữ đi chinh phục biển cả để khẳng định cắm mốc chủ quyền, bảo vệ bờ cõi Việt Nam. Đó là Hoàng Sa thiêng liêng mà trong các giai đoạn lịch sử đều thấm đẫm máu, nước mắt và cả thân xác của những người con đất Việt xả thân vì Tổ quốc.
Chính vì vậy, ngày 17-1 vừa qua khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên núi Thới Lới thuộc huyện đảo Lý Sơn, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Bởi tôi đã nghe nhiều chuyện kể về những dòng tộc ở Lý Sơn đi Hoàng Sa không chỉ là tuân lệnh vua, mà đó còn là trách nhiệm từ trái tim của những nghĩa sĩ một lòng vì đất nước. Và có những người đã ra đi nhưng biền biệt không về, để cho các bà mẹ, bà vợ mòn mỏi đứng ngồi trông ngóng người thân từng giờ. Từ những hình ảnh đời thực đó mà một trong những hạng mục quan trọng của Khu tưởng niệm trên núi Thới Lới mai này sẽ đặt tượng “Người mẹ thắp lửa” mang ý nghĩa: mẹ thắp lửa để đưa con ra khơi, mẹ thắp ngọn lửa để linh hồn con ở Hoàng Sa biết đường về với gia đình.
Ngày làm lễ khởi công Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, có những bình cát vàng được lấy từ Hoàng Sa về làm nền móng đặt viên đá đầu tiên cho dự án. Theo những ngư dân thường xuyên đi đánh bắt xa bờ, chính những khu bãi cát vàng ở Hoàng Sa là ngư trường truyền thống hàng trăm năm qua của ngư dân Lý Sơn. Ở đó là máu thịt Tổ quốc, là linh hồn không thể tách rời khỏi Việt Nam. Nói như Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng: “Chừng nào Hoàng Sa chưa về với Tổ quốc thì khu tưởng niệm vẫn là lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam không bao giờ được quên dải đất thiêng liêng của đất nước”. Theo ông Tùng, xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa là thể hiện sự tri ân đối với những thế hệ đi trước đã ngã xuống vì biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của dân tộc.
Đau đớn thay, dù đã có nhiều nghĩa sĩ không quản ngại gian khó; nhiều đội hùng binh đi ra Hoàng Sa quyết tâm bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của đất nước, nhưng đến nay hai tiếng Hoàng Sa thân yêu như xé cả tâm can mỗi người dân Việt. Thiết nghĩ, đối với mỗi người Việt Nam thì chắc hẳn khi nhắc đến biển đảo của Tổ quốc ai cũng phải thốt lên: Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Điều linh thiêng này là bất tử!
Duy Đỗ