Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh nghiệm "xương máu" cho người nuôi cá bè

01:01, 12/01/2016

Hàng chục tấn cá nuôi chết trắng bè trên sông Cái trong những ngày vừa qua khiến nhiều hộ dân điêu đứng. Hy vọng về một mùa cá tết đem lại lợi nhuận cao, song người nuôi cá giờ đây đã
trắng tay…

Hàng chục tấn cá nuôi chết trắng bè trên sông Cái trong những ngày vừa qua khiến nhiều hộ dân điêu đứng. Hy vọng về một mùa cá tết đem lại lợi nhuận cao, song người nuôi cá giờ đây đã
trắng tay…

Người nuôi thẫn thờ nhìn cá chết trắng bè. Ảnh: N.Liên
Người nuôi thẫn thờ nhìn cá chết trắng bè. Ảnh: N.Liên

Cơ quan chức năng và UBND TP.Biên Hòa đã chỉ rõ nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt trên sông Cái.

 * Nhiều hơn 2,5 lần lượng bè cho phép

Sau nhiều năm động viên, thuyết phục ngư dân đưa bè cá đến nơi quy hoạch, tháng 10-2015 việc di dời này mới hoàn tất. Theo quy hoạch chi tiết từng vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của TP.Biên Hòa thì làng cá bè sông Cái sẽ là một trong những điểm nhấn trong tuyến du lịch cảnh quan sinh thái sông Đồng Nai. Điều này là hợp lý đối với một đô thị vừa được công nhận loại I như Biên Hòa. Mặt khác, cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân neo đậu bè cá đúng nơi và đúng số bè quy định; thả cá với mật độ phù hợp và không nên cho ăn những loại thức ăn gây ô nhiễm nguồn nước…Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hộ nuôi cá bè chưa thực hiện như khuyến cáo.

Đợt cá chết vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho nhiều hộ nuôi cá bè, tuy nhiên vẫn còn một số gia đình tránh được thiệt hại, đơn cử như hộ ông Vũ Đình Đàm. Trong khi các bè gần bên cá chết nổi trắng thì bè cá của ông Đàm chỉ thiệt hại vài chục ký. Ông Đàm cho biết ngay từ những ngày đầu phát hiện cá trong bè có những biểu hiện bất thường, ông đã tăng cường sục khí ôxy, thả thêm bèo tấm và hạn chế thả thức ăn để nguồn nước đỡ nhiễm thêm tạp chất từ thức ăn. Đây cũng là cách để hạn chế thiệt hại khi xuất hiện nguồn nước xấu cho cá.

Nhận định về nguyên nhân của việc cá chết trên làng bè sông Cái từ những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) cùng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đều khẳng định: chất lượng môi trường nước mặt tại khu vực nuôi cá bè thuộc xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) có hàm lượng ôxy (DO) rất thấp, dao động từ 1,5-1,9mg/lít nước, trong khi hàm lượng ôxy đạt chuẩn phải từ 4mg/lít nước. Bên cạnh đó, chế độ thủy triều và điều kiện khí hậu thay đổi dịp cuối năm đã góp phần làm cho lượng oxy càng thấp hơn. Đáng lưu ý là lượng bè và mật độ cá giống thả trong các bè cá quá dày đặc. Theo khuyến cáo, mỗi bè chỉ nuôi từ 60-70 con cá/m3 nước, nhưng thực tế lên đến 120 con/m3 nước. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân sử dụng thức ăn tự chế từ các loại cá tạp, nội tạng động vật… nên khi cá ăn không hết thức ăn sẽ bị phân hủy, dễ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

Nêu lên những điều này để thấy rằng việc nuôi cá bè trên sông Cái đã không tuân thủ đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, khu vực làng bè trên sông Cái chỉ quy hoạch 272 bè, nhưng tại thời điểm cá chết thì sông Cái có 696 lồng, bè của 246 hộ dân đang hoạt động, nhiều hơn gấp 2,5 lần lượng bè cho phép.

Rõ ràng, ở một khúc sông mà số bè nuôi cá nhiều hơn quy định thì chất lượng nguồn nước chắc chắn không thể đảm bảo cho cá phát triển. Chính vì lượng cá bè nuôi quá nhiều nên dẫn đến chỗ cá không đủ ô xy để sống là khó tránh khỏi.

* Hướng phát triển nào cho làng bè?

Những ý kiến khác nhau quanh kết quả về nguyên nhân dẫn đến cá chết tại làng bè ở khu vực xã Hiệp Hòa trong những ngày qua đang là đề tài khiến nhiều người quan tâm. Song ở đây, vấn đề cơ bản nhất là làm sao để làng cá bè phát triển bền vững, tránh khỏi những rủi ro cho người nuôi trong thời gian tới.

Cá chết trắng bè, người nuôi không kịp vớt bỏ.
Cá chết trắng bè, người nuôi không kịp vớt bỏ.

Theo Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, dự án quy hoạch làng cá bè trên sông Đồng Nai phù hợp cảnh quan, sinh thái TP.Biên Hòa. Ông Châu Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa, cho biết thời gian qua địa phương luôn vận động, hỗ trợ người dân tìm nguồn thức ăn, con giống bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế; khuyến cáo bà con không nên nuôi cá với mật độ quá dày. Thế nhưng, vẫn còn nhiều hộ chưa hợp tác mà vẫn giữ cách chăn nuôi theo kiểu tự phát, tận dụng nguồn thức ăn không bảo đảm vệ sinh.

Dù làng cá bè đã hình thành ngay sau những năm mới giải phóng, nhưng đến nay hơn 200 hộ nuôi cá vẫn hoạt động theo kiểu tự phát. Nhiều người mong muốn làng cá bè sớm thành lập tổ sản xuất để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi, sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa Nguyễn Kim Phước nhấn mạnh: “Trong thời gian tới phòng sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, báo cáo rõ tình trạng nuôi cá bè của bà con để qua đó có hướng dẫn cụ thể về vị trí neo đậu và lượng bè đúng theo quy định; đồng thời phối hợp với các ngành chỉ dẫn bà con sử dụng con giống, nguồn thức ăn cho cá bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; kịp thời xử lý và hạn chế thiệt hại khi có biến động về môi trường.

Ngc Liên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều