Xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) được xem là xa và nghèo nhất tỉnh. Do bị ngăn sông cách trở với một bên thuộc Đồng Nai và bên kia là tỉnh Lâm Đồng nên đời sống của người dân nơi đây dạo trước gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nay, vùng đất này đang từng ngày thay da đổi thịt…
Xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) được xem là xa và nghèo nhất tỉnh. Do bị ngăn sông cách trở với một bên thuộc Đồng Nai và bên kia là tỉnh Lâm Đồng nên đời sống của người dân nơi đây dạo trước gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nay, vùng đất này đang từng ngày thay da đổi thịt…
100% đường giao thông nông thôn ở xã Đắk Lua được bê tông hóa. |
Xã Đắk Lua bây giờ có đủ điện, đường, trường, trạm. Vùng đất nghèo Đắk Lua ngày trước như được khoác lên mình chiếc áo mới nhiều màu sắc.
* Chiếc cầu mơ ước
Vượt qua chặng đường gần 100km, đến điểm cuối của huyện Tân Phú trên quốc lộ 20 chúng tôi đi tiếp hơn 60km qua 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng mới đến được xã Đắk Lua của tỉnh Đồng Nai.
Cầu Đắk Lua được khởi công xây dựng từ tháng 8-2015, nối liền xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) với xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Cầu có tổng chiều dài 362m, chiều rộng 9,5m, gồm 2 làn xe chạy. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu. Tổng kinh phí xây dựng cầu và đường dẫn vào cầu là 59 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và huyện Tân Phú. Đây là cây cầu huyết mạch, tạo điều kiện cho người dân xã Đắk Lua đi lại, giao thương phát triển kinh tế với các vùng khác. |
Cho xe rẽ vào con đường đất mới được san lấp khá rộng, tài xế cho biết huyện Tân Phú phải mua đất của người dân huyện Cát Tiên để làm đường cho người dân xã Đắk Lua đi lại thuận tiện. Con đường dài hơn 200m, dẫn đến bến phà qua sông Đồng Nai - cửa ngõ đến Đắk Lua. Hôm chúng tôi có mặt, ngay cạnh bến phà tạm đưa người dân qua sông hàng ngày là công trình xây dựng cầu Đắk Lua với đông đảo công nhân hối hả làm việc. Đứng ngắm chiếc cầu đang thi công, Trưởng ấp 1 (xã Đắk Lua )Trần Văn Khang hồ hởi, mong chiếc cầu sớm hoàn thành. Theo ông Khang, ngày công trình khởi công, người dân nơi đây ai cũng vui mừng. Bởi đó như một “cú hích”, là động lực để bà con phấn đấu tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một khi đường đi đã thông thì nông sản làm ra sẽ nhanh chóng đến với thị trường, tránh được cảnh bị thương lái ép giá với lý do chi phí vận chuyển tăng vì đi lại khó khăn. “Chắc chắn sau khi cầu hoàn thành thì diện mạo Đắk Lua sẽ còn nhiều thay đổi hơn. Tôi tin rằng chiếc cầu này sẽ tạo điều kiện để nông dân có thêm cơ hội làm ra của cải, góp phần xây dựng địa phương ngày một lớn mạnh” - ông Khang nói.
* Diện mạo một vùng quê
Đắk Lua hiện có khoảng 1,5 ngàn hộ dân với trên 6 ngàn nhân khẩu, cây trồng chủ yếu là lúa và bắp. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên thời gian qua lãnh đạo tỉnh và huyện luôn quan tâm đến đời sống người dân vùng này. Qua đó, nhiều dự án kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đến nay, đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa 14km; các công trình điện, trường học, trạm y tế… đều đạt chuẩn quốc gia.
Cầu Đắk Lua đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: M.Quân |
Đến Đắk Lua những ngày này, điểm nổi bật của vùng đất xa nhất tỉnh là màu xanh mướt của bắp, khổ qua, mè… trải dài trên những cánh đồng bát ngát. Nhận định về sự đổi thay ở địa phương, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lua Nguyễn Ngọc Nhì cho biết thời gian qua có khá nhiều gia đình thoát nghèo nhờ các mô hình canh tác hoa màu hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp chưa hoàn thiện nên sản xuất nông nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt vào mùa khô, nhiều hộ gia đình phải để đất trống do không đủ nước tưới. “Đắk Lua có 13 ấp đều sản xuất nông nghiệp thì có 11 ấp thiếu hệ thống thủy lợi. Qua khảo sát, toàn xã cần khoảng 50km đường mương bê tông. Nếu được đầu tư nguồn nước tưới hoàn chỉnh, bà con sẽ có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất” - ông Nhì chia sẻ.
Minh Quân