Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề phòng "bà hỏa" viếng nhà

07:01, 21/01/2016

Thời điểm cận tết là cao điểm của mùa nắng nóng nên trong cuộc sống hàng ngày, nếu không cảnh giác sẽ dễ dàng dẫn đến hỏa hoạn...

 

Thời điểm cận tết là cao điểm của mùa nắng nóng nên trong cuộc sống hàng ngày, nếu không cảnh giác sẽ dễ dàng dẫn đến hỏa hoạn...

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đang dập lửa tại một quán ăn ở TP.Biên Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: TRẦN DANH
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đang dập lửa tại một quán ăn ở TP.Biên Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: TRẦN DANH

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Bính Thân 2016. Do nhu cầu cung cấp hàng hóa phục vụ tết tăng đột biến, nhiều cửa hàng, gia đình chất vật dụng ngổn ngang che mất lối thoát hiểm; còn các cơ sở sản xuất thì đẩy mạnh công suất làm việc nhưng lại “quên” gia cố hệ thống dẫn điện… làm tăng nguy cơ cháy, nổ.

* Chập điện dễ phát sinh cháy

Nhắc lại vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (100% vốn nước ngoài) ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) vào lúc 21 giờ ngày 21-9-2015, nhiều người chứng kiến chưa hết bàng hoàng. Theo các nhân viên bảo vệ tại đây, sau một tiếng nổ lớn thì kho xưởng của công ty bất ngờ bốc cháy dữ dội. Mặc dù lực lượng chữa cháy tại chỗ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể dập tắt được ngọn lửa hung hãn. Đến khi cả trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh được huy động đến, sau nhiều giờ đám cháy mới được khống chế. Nguyên nhân được xác định là do chập điện, bắt nguồn từ khu xưởng chứa nhiều nguyên liệu dễ cháy, như: vải, nhựa, bao bì... Vụ cháy tuy không thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi gần hết khu nhà xưởng có diện tích khoảng 3 ngàn m2.

Ở TP.Biên Hòa, hiện những khu vực có nguy cơ cao về cháy, nổ, như: khu nhà dân vừa ở vừa kết hợp kinh doanh, buôn bán xung quanh khu chợ Biên Hòa, chợ Tam Hòa, các làng nghề chế biến gỗ ở các phường: Tân Biên, Tân Hòa. Đây là khu vực rất cần phải di dời để đảm bảo an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư. Tuy nhiên, do đặc thù là làng nghề truyền thống đã hoạt động nhiều năm nên việc di dời phải chờ phương án của tỉnh. Giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy ở khu vực này, là: tăng cường công tác kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền để các cơ sở sản xuất và người dân ý thức cao trong phòng cháy, chữa cháy; trang bị đầy đủ các phương tiện, lực lượng chữa cháy tại chỗ để kịp thời ứng phó khi có cháy, nổ xảy ra...

Nói về công tác phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng, Đại úy Nguyễn Thành Long, Đội trưởng Đội Hướng dẫn thẩm duyệt, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, cho biết: “Cuối năm là cao điểm của mùa nóng nên chúng tôi đang triển khai kế hoạch kiểm tra các cơ sở trọng điểm, các cơ sở có tính chất nguy hiểm về cháy nổ cao, như: chợ, siêu thị, khu trung tâm thương mại, khu phố chợ, làng nghề, nơi chứa xăng dầu, gỗ, giấy... nhằm phát hiện và yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay những thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời qua đó hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án chữa cháy, củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ tại chỗ”.

* Chủ động ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ

Qua thống kê, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh xác định nguyên nhân cháy, nổ thời gian qua ở Đồng Nai chủ yếu do vi phạm an toàn về sử dụng điện, như: đường dây quá tải, không đảm bảo an toàn, câu móc điện tùy tiện. Ngoài ra, sự bất cẩn của người dân trong đun nấu, đốt vàng mã cũng là một trong những cơ hội để “bà hỏa”… viếng thăm. Để hạn chế xảy ra cháy, nổ, ngành chức năng cảnh báo, thời điểm tết được xem là tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ. Do vậy, mọi sinh hoạt, sản xuất có liên quan đến điện, lửa, xăng dầu, hóa chất... đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Vụ cháy tại Công ty TNHH Yupoong Việt Nam ở Khu công nghiệp Loteco.
Vụ cháy tại Công ty TNHH Yupoong Việt Nam ở Khu công nghiệp Loteco.
Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh, trong năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy và 1 vụ nổ làm chết 5 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 3,5 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ nhưng chủ yếu vẫn là do: ý thức về phòng cháy của người dân, doanh nghiệp, địa phương chưa cao; nhiều nơi còn chủ quan, coi thường các mối nguy cơ về cháy, nổ trong sinh hoạt, hoạt động sản xuất...

Theo Đại úy Long, chủ động phòng cháy, chữa cháy là biện pháp tích cực nhất trong việc ngăn ngừa hiểm họa từ “bà hỏa”. Vì vậy, ở các khu chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, khu dân cư… phải kiểm tra, kịp thời thay thế các thiết bị điện, dây dẫn điện đã hư hỏng, rò rỉ, xuống cấp. Đối với các hộ dân, cần chú ý đến việc dùng lửa trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là đốt nhang, vàng mã trong thờ cúng. Riêng về các doanh nghiệp, trước hết xem xét, bố trí lại dây chuyền sản xuất hợp lý, khoa học; thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất - kinh doanh, hệ thống điện, hệ thống thông gió, kho tàng, bến bãi chứa nguyên liệu, hàng hóa dễ cháy và đặc biệt là phải trang bị đầy đủ các phương tiện, nguồn nước phục vụ cứu hỏa và thực tập các phương án chữa cháy theo quy định...

Kim Liễu

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều