Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sòng phẳng trong hoàn thuế

07:01, 11/01/2016

Nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thời gian qua cho biết họ gặp khá nhiều phiền phức vì chậm nhận được tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Một số DN rơi vào tình trạng nguồn vốn bị động.

Nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thời gian qua cho biết họ gặp khá nhiều phiền phức vì chậm nhận được tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Một số DN rơi vào tình trạng nguồn vốn bị động.

Đại diện doanh nghiệp khai báo thuế tại Cục Thuế Đồng Nai (ảnh minh họa). Ảnh: K.Giới
Đại diện doanh nghiệp khai báo thuế tại Cục Thuế Đồng Nai (ảnh minh họa). Ảnh: K.Giới

Là một địa phương có số DN sản xuất hàng xuất khẩu lớn như Đồng Nai, việc hoàn thuế không kịp thời cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động sản xuất của DN, đặc biệt vào mùa sản xuất cao điểm.

Bị động về vốn

Chị N.T.N., kế toán của một công ty chuyên sản xuất hàng xuất khẩu ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch, cho biết công ty chị làm hàng xuất khẩu quy mô khá lớn nên số tiền được hoàn thuế mỗi đợt từ 5-6 tỷ đồng. Tình trạng nhận hoàn thuế chậm và kéo dài như hiện nay đã làm ảnh hưởng đến nguồn vốn sản xuất của công ty. “Ban giám đốc của tôi có người nước ngoài vốn quen với cung cách làm ăn nhanh gọn, do đó họ thắc mắc vấn đề vì sao hoàn thuế chậm, chúng tôi cũng không giải thích được” - chị N.T.N. nói.

Khó khăn hơn về nguồn vốn khi hoàn thuế chậm là những  DN vừa và nhỏ trong nước. Giám đốc một công ty chế biến gỗ xuất khẩu ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa) khá bức xúc khi DN ông mất tới 2 tháng trời mới hoàn được tiền thuế. Số tiền thuế được hoàn của công ty ông lên đến gần 4 tỷ đồng. Vị giám đốc này cho hay, nhận tiền hoàn thuế chậm làm cho DN khó khăn trực tiếp đến vốn lưu động. Bị động về vốn nên nhiều khi ông phải đi vay ngắn hạn bên ngoài với lãi suất gấp 3 lần so với lãi suất vay ngân hàng để trang trải. “Vay nóng bên ngoài, chấp nhận lãi suất cao nhưng cũng đâu phải dễ, nhu cầu của mình tới 3-4 tỷ đồng và phải quen biết uy tín lắm mới vay được 2 tỷ đồng, có đi vay mới thấy được cái khó. Lúc cao điểm sản xuất tiền nhập nguyên liệu, tiền trả lương cho công nhân phải có ngay, đâu thiếu được” - vị giám đốc này cho biết.

Ở một công ty khác tại phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), chủ một DN nhỏ - anh N.V.H. cũng ngao ngán với việc chờ đợi tiền hoàn thuế. Phải mất gần 3 tháng anh H. mới nhận được tiền hoàn thuế của mình. Theo anh H., số tiền hoàn thuế của công ty anh dù chưa đến 2 tỷ đồng nhưng do là DN nhỏ nên cũng đã đẩy anh vào thế loanh quanh vay mượn, “giật gấu vá vai” để duy trì sản xuất.

Chưa sòng phẳng

Theo quy định về thủ tục hoàn thuế hiện nay, hàng năm Bộ Tài chính sẽ phân bổ cho Tổng cục Thuế và từng địa phương hạn mức hoàn thuế cụ thể theo từng quý. Các cục thuế chỉ được hoàn khi nào có hạn mức. Quy trình hoàn thuế bao gồm: cơ quan thuế thực hiện xong hồ sơ của DN, gửi qua Kho bạc Nhà nước và kho bạc căn cứ theo hạn mức để hoàn lại cho DN.

Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế, cho biết thủ tục hoàn thuế được cơ quan thuế của tỉnh làm hồ sơ rất kịp thời, nhưng phải chờ hạn mức nên DN chậm nhận được tiền. Lãnh đạo Cục Thuế chia sẻ: “Đồng Nai là tỉnh có trên 70% DN làm hàng xuất khẩu nên số thuế phải hoàn khá nhiều. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Trung ương nên cho hạn mức kịp thời hơn. Đối với bản thân Cục Thuế, chúng tôi công khai là hồ sơ đã xong và chỉ chờ hạn mức của ngành”. Nhu cầu hoàn thuế của tỉnh hiện nay bình thường vượt khoảng 30% so với hạn mức, vào những quý xuất khẩu nhiều, hồ sơ lên đến gấp đôi hạn mức được cấp.

Theo các chủ DN, thủ tục hoàn thuế của Nhà nước hiện nay như vậy là chưa “sòng phẳng”, bởi khi nộp thuế chậm sẽ bị phạt, trong khi Nhà nước chậm hoàn thuế, DN chịu thiệt thì lại không chế tài hay quy định nào ràng buộc. Theo nhiều DN, nếu việc hoàn thuế chậm, Nhà nước phải tính lãi cho khoản tiền đó để bù đắp cho DN. “Thực tế, việc huy động nhiều tỷ đồng không dễ chút nào, toàn bộ tài sản của DN đã thế chấp tại các ngân hàng, vì vậy việc vay tiền mặt ngay một lúc là rất khó. Việc được tính lãi số tiền thuế được hoàn bị trễ cũng chỉ là động viên chia sẻ cùng DN, bởi thực chất không chủ DN nào muốn vậy” - giám đốc một DN tại TP.Biên Hòa than thở.

Khc Gii

 

 

 

Tin xem nhiều