Bị khách hàng nghi ngờ là mạo danh người của các công ty, shop bán hàng để lừa đảo khiến nhiều trường hợp nhân viên bưu tá bị dọa đánh, thậm chí bị "áp giải" đến công an...
Bị khách hàng nghi ngờ là mạo danh người của các công ty, shop bán hàng để lừa đảo khiến nhiều trường hợp nhân viên bưu tá bị dọa đánh, thậm chí bị “áp giải” đến công an...
Số bưu phẩm phải giữ tại Trung tâm khai thác vận chuyển Bưu điện tỉnh vì khách hàng mua qua online nhưng không vừa ý nên yêu cầu bưu điện hoàn trả cho người bán. Ảnh: K.Liễu |
Những năm gần đây, việc kinh doanh qua mạng internet khá phổ biến. Người bán thường thông qua hệ thống bưu điện để giao dịch với khách hàng. Nhờ đó mà dịch vụ của bưu điện thời gian trước vốn vắng khách, nay trở nên nhộn nhịp hơn.
Nói về những tình huống thường gặp, bưu tá Nguyễn Hoàng Sỹ cho hay, việc khách hàng “giận cá chém thớt” là điều thường xuyên xảy ra. “Nhiều người khách khi nhận hàng đã mua qua mạng, mở ra thấy không vừa ý là quay sang chửi luôn người giao hàng với những lời lẽ rất khó nghe. Họ cho rằng chúng tôi tiếp tay với người bán để lừa người mua. Khi chúng tôi giải mình là nhân viên bưu điện, chỉ có nhiệm vụ đi giao hàng, đồng thời hướng dẫn khách liên hệ trực tiếp với cơ sở bán thì khách mới dịu giọng” - anh Sỹ kể.
Tương tự, nói về trường hợp liên tục gặp khó khăn, bưu tá Dương Thanh Kềnh chia sẻ: “Một khách hàng ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) sau khi nhận hàng, trả tiền xong nhưng khi khui thùng hàng ra mà không vừa ý đã yêu cầu tôi trả lại tiền. Tôi giải thích rằng trên bưu phẩm có ghi dòng chữ “hàng khui rồi không thể trả lại” thì vị này liền kêu cả nhà 5 người ra gây áp lực dọa đánh, buộc tôi phải nhận lại hàng và trả lại tiền thì mới cho đi”.
Ông Dương Quốc Hùng, Phó phòng Tổ chức Bưu điện tỉnh cho rằng, việc khách hàng bức xúc, nghi ngờ bưu tá là người xấu là do có nhiều đối tượng, trang mạng lợi dụng việc bán hàng online để “bẫy” khách hàng. Nhiều mặt hàng khi chào bán trên mạng khác xa với món hàng thực tế lúc giao nhận, làm người mua không hài lòng. Trong khi đó, nhân viên bưu tá chỉ có vai trò chuyển phát giữa người gửi và người nhận theo hợp đồng. Họ không thể biết cụ thể các giao dịch trước đó giữa khách hàng với người bán. Vì vậy, để tránh nhận phải hàng kém chất lượng, khách mua nên chọn những trang web địa chỉ rõ ràng, có uy tín. Qua đó cần thỏa thuận cụ thể với nơi bán việc được khui hàng xem trước khi thanh toán tiền, nếu không có thể từ chối nhận để tránh bị thiệt. |
Đánh giá về dịch vụ chuyển phát hàng thương mại điện tử mua qua online (gọi tắt là COD), Phó giám đốc Trung tâm khai thác vận chuyển Bưu điện tỉnh Phạm Thị ánh Tuyết cho biết trong 2 năm trở lại đây dịch vụ này phát triển rất nhanh. Trung tâm hiện đang phụ trách việc giao nhận tại khu vực TP.Biên Hòa. Năm 2015, trung tâm tuyển thêm 25 bưu tá COD. Trung bình mỗi bưu tá giao khoảng 20 bưu phẩm/ngày. Tuy đã được tập huấn về công tác nghiệp vụ kỹ càng, nhưng nhiều trường hợp bưu tá bị rơi vào những tình thế “khó đỡ” khi gặp khách khó tính. Có một số khách rất ngang ngược khi không hài lòng hàng đặt mua là vứt tại chỗ rồi vào nhà đóng cửa lại để bưu tá “tự xử”.
Theo bà Tuyết, mới đây bưu tá Hoàng Văn Tám đến phát hàng tại KP.4, phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) cho ông Vũ Văn Quý và thu 3,5 triệu đồng. Khi giao hàng thì bất ngờ anh bị người nhà của ông Quý giữ lại và báo công an phường đến “mời” về trụ sở làm việc. Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ chỗ ông Quý hiểu nhầm anh Tám là người tiếp tay cho bọn lừa đảo. Nói về vụ việc này, ông Quý kể: “Trước đó mấy ngày, có người phụ nữ gọi điện thông báo tôi đã trúng thưởng chiếc điện thoại trị giá hơn 17 triệu đồng và nói sẽ có người mang hàng đến giao tận nhà. Nhưng nếu tôi nhận quà thưởng thì phải trả 3,5 triệu tiền thuế. Biết ngay là trò lừa đảo nên khi anh Quý mang hàng đến, tôi tưởng là “người” của phụ nữ trên nên đã nhờ công an giải quyết. Đây là sự hiểu lầm đáng tiếc”.
Kim Liễu