Báo Đồng Nai điện tử
En

Học sinh vẫn thích học lịch sử Việt Nam

07:12, 12/12/2015

Nhiều học sinh yêu thích lịch sử Việt Nam nhưng khi được hỏi về môn học Lịch sử thì hầu như em nào cũng lắc đầu ngao ngán vì cách dạy lâu nay không hấp dẫn.

Nhiều học sinh yêu thích lịch sử Việt Nam nhưng khi được hỏi về môn học Lịch sử thì hầu như em nào cũng lắc đầu ngao ngán vì cách dạy lâu nay không hấp dẫn.

Sau khi có thông tin mới nhất về số phận môn Lịch sử trong cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhiều học sinh kỳ vọng môn Lịch sử sẽ có nhiều cách dạy mới.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Tân Phú, khi nghe hỏi vì sao môn Lịch sử lại học tích hợp với môn khác, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai) nhận định: “Trong công cuộc dựng nước và giữ nước thì môn Lịch sử luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, đặc biệt là thời kỳ bị nước ngoài đô hộ. Bác Hồ từng nói, “Dân ta phải biết sử ta”. Tuy nhiên, thời gian qua học sinh ngại học sử, thậm chí còn có tình trạng “sợ” môn học này. Trong khi thực tế nhiều học sinh vẫn còn yêu thích môn Lịch sử, không có biểu hiện nào quay lưng với lịch sử. Vấn đề ở đây là phương pháp dạy quá cổ lỗ, bất cập. Bộ GD-ĐT cần phải có chủ trương thay đổi cách dạy môn Lịch sử. Vừa qua, Quốc hội vẫn khẳng định môn Lịch sử là rất quan trọng. Theo đó, Bộ GD-ĐT cần tìm ra giải pháp tối ưu nhất để đưa môn Lịch sử trở nên gần gũi với học sinh hơn”.

Lâu nay, việc dạy và học môn Lịch sử của nước ta là giáo viên đọc, giảng bài, còn học sinh thì cắm cúi chép để về nhà học thuộc. Những bài sử dài cả trang giấy với những sự kiện được dạy chi tiết đến từng giờ, phút, ngày, tháng, năm trong diễn biến sự kiện đó đến độ ngán ngẩm. Em T., học sinh lớp 11 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa), cho rằng học sinh hầu như không thể tư duy về bài học bởi bài quá dài, trong khi thời gian học môn Lịch sử rất ít. Do đó, các em chỉ có đủ thời gian chép bài và về học thuộc. Vì học “vẹt” nên cứ học bài sau là quên bài trước. Không chỉ học bài như cái máy, phần lớn học sinh “sợ” môn Lịch sử đều cho rằng do giáo viên dạy quá khô khan, không có sự linh động nên học sinh không có hứng thú khi nghe giảng.

Khi được hỏi về nguyện vọng được học lịch sử theo cách nào dễ nhất, phần lớn học sinh tại một số trường THPT: Nam Hà, Ngô Quyền, Bùi Thị Xuân… đều cho rằng, ngành GD-ĐT cần phải có những phương án, giáo trình dạy cụ thể. Một học sinh lớp 10 của Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân cho biết: “Em đã từng được học môn Lịch sử từ một số cô giáo khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số giáo viên biết cách làm cho học sinh thích học môn Lịch sử. Những giáo viên này thường kể cho học sinh nghe những câu chuyện của nhân vật liên quan đến sự kiện lịch sử đó. Những câu chuyện rất hấp dẫn đã xua tan đi áp lực, giúp học sinh thoải mái, học mà như chơi”.

Vy Vy

Tin xem nhiều