Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo tình trạng hành xử manh động

07:12, 22/12/2015

Thời gian gần đây, bạn đọc thông tin đến Báo Đồng Nai lo lắng về  tình trạng thanh niên tụ tập có hành vi manh động, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư…

Thời gian gần đây, bạn đọc thông tin đến Báo Đồng Nai lo lắng về  tình trạng thanh niên tụ tập có hành vi manh động, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư…

Hung khí của một nhóm côn đồ sử dụng bị công an thu giữ.  Ảnh: D.TRƯỜNG
Hung khí của một nhóm côn đồ sử dụng bị công an thu giữ. Ảnh: D.TRƯỜNG

Hiện tượng “đụng chuyện là chém” trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương trên cả nước không còn là cá biệt. Thực tế, nhiều vụ đâm, chém nhau chỉ vì những chuyện không đáng có. Điều này cho thấy, rèn luyện nhân cách con người để trẻ em trở thành người tốt đang là vấn đề báo động trong xã hội.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa, từ tháng 10-2014 đến nay đã xét xử tổng cộng 54 vụ, 107 bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Trong số này có nhiều người còn trẻ, thậm chí chưa thành niên.

Mới đây, tại Công an TP.Biên Hòa, chúng tôi gặp một phụ nữ có khuôn mặt hốc hác, đang lo lắng ngồi chờ làm việc với cán bộ điều tra về người con trai đang bị tạm giam tại đây vì tham gia đánh nhau cùng một nhóm thanh niên. “Vừa nghe tin là tôi tức tốc đi xe từ Bạc Liêu lên Biên Hòa ngay trong đêm. Con tôi làm công nhân ở Biên Hòa được 3 năm nay. Từ khi xa con, tôi không thể chăm sóc cháu từng ngày nên việc nó phạm tội đã khiến cả gia đình bất ngờ, lo lắng” - bà mẹ chia sẻ.

Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ gây thương tích cho người khác đang bị cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Không chỉ ở Đồng Nai, vấn đề thanh thiếu niên phạm tội ở nhiều địa phương trên cả nước lâu nay làm cho xã hội lo lắng. Đặc biệt, thời gian gần đây còn xuất hiện hiện tượng kích động, rủ rê thành lập băng nhóm trên các trang mạng xã hội.

Băng nhóm gây rối trật tự công cộng bị triệu tập tại cơ quan công an.
Băng nhóm gây rối trật tự công cộng bị triệu tập tại cơ quan công an.

Thiếu tá Châu Văn Sang, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.Biên Hòa, cho biết tình trạng các đối tượng sử dụng trang mạng xã hội, điện thoại tạo thành các nhóm thách thức nhau, hẹn hò tụ tập gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra. Trước những thách thức này, lực lượng chức năng luôn tăng cường công tác kiểm soát, qua đó đã ngăn chặn kịp thời những vụ tụ tập, gây rối trật tự. Điển hình là vụ gần 20 học sinh của một trường tư thục ở  TP.Biên Hòa tụ tập nhau lại để “phân xử” nội bộ chỉ vì mâu thuẫn. “Do quy định của pháp luật nên những trường hợp còn ở tuổi vị thành niên đều được gia đình bảo lãnh về khi có hành vi gây rối. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, đồng thời là hồi chuông cảnh báo cho việc quản lý con em mình. Nhất là những gia đình có hoàn cảnh không suôn sẻ, như: khó khăn về kinh tế, cha mẹ ly hôn, mồ côi… Do vậy, quan hệ trong gia đình khắng khít, đầm ấm sẽ là gương sáng để hình thành nên tính cách đứa trẻ. Nhiều vụ con cái hư hỏng, xuất phát từ chuyện bạo lực trong gia đình”- Thiếu tá Sang nhấn mạnh.

* Thẩm phán Nguyễn Thành Sơn, Chánh án Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa: Ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế


Là người từng tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự, tôi thấy rằng thời gian gần đây nổi lên nhiều vụ án giết người, đánh nhau đáng lo ngại. Thực tế, nhiều vụ việc thanh thiếu niên phạm tội có nhân thân tốt, nhưng chỉ vì một chút nóng giận, thiếu kiềm chế trở nên hung hăng nên gây án. Đặc biệt, thủ phạm là những người trẻ tuổi có chiều hướng tăng. Chính những tác động từ môi trường sống đã góp phần hình thành nên thói quen dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn ở giới trẻ. Nếu hàng ngày các em xem phim ảnh bạo lực, ra đường thường thấy cảnh cãi vã, đánh nhau khi có va chạm sẽ dễ dàng bị cuốn vào và bắt chước cách ứng xử này. Điều đó cho thấy, việc giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế.

 * Ông Tạ Quốc Hạnh, Chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý giáo dục Đồng Nai: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật


Có thể điểm qua một số nguyên nhân chính sau: Sự bùng nổ thông tin mạng internet làm giá trị ảo lấn át giá trị thật khi nhiều thanh thiếu niên coi đây là kênh chính để tiếp cận thông tin. Đặc biệt là các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, đẫm máu tràn lan trong thế giới game một phần tác động đến tâm lý trẻ vị thành niên; kế đến là sự yếu kém, bất lực trong quản lý giáo dục khi không xây dựng được cho học sinh mục đích, lý tưởng sống lành mạnh; tiếp nữa là luật pháp không nghiêm sẽ không có tính răn đe. Ở nhiều gia đình, người lớn làm gương mù, gương xấu, khiến trẻ em bắt chước;  rồi tình trạng cha mẹ ly hôn khiến con cái mất chỗ dựa về tinh thần… Tất cả những điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý thanh thiếu niên. Vì thế, khi gặp sự cố, các em thường bế tắc do không được trang bị kỹ năng hóa giải vấn đề nên thường dùng bạo lực để giải quyết mọi việc.       

* Phan Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT: Tạo môi trường lành mạnh cho các em thể hiện mình


Gần đây, một hiện tượng đáng buồn là học sinh nói chuyện với nhau bằng… nắm đấm; clip học sinh đánh nhau được đăng tải trên các trang mạng xã hội đã làm không ít người xem sửng sốt. Chúng ta quan niệm giáo dục là “gốc”, nhưng chưa xây dựng được những môn học thiết thân, cụ thể để giáo dục nhân cách cho học sinh. Trong thời gian qua, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng đã xây dựng nhiều chương trình phối hợp dành cho học sinh, sinh viên nhưng công tác này hiện nay vẫn còn có những khoảng trống;  mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh chưa thật sự phát huy hiệu quả. Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em còn hạn chế, chưa tạo được nhiều sân chơi bổ ích, để thu hút các em tham gia. Trong khi ở lứa tuổi thanh thiếu niên lại muốn khẳng định bản thân. Vì vậy, việc tạo môi trường lành mạnh để các em được thể hiện cái “tôi” của mình là vô cùng cần thiết.            

     Kim Liễu - Phương Uyên

 

Minh Quân

 

 

Tin xem nhiều