Hàng trăm hộ dân tại các tổ: 5, 16, 22, 23, KP.4, phường Trảng Dài nhiều năm nay khắc khoải sống trong không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi mùi hôi thối từ nước thải chăn nuôi heo...
Hàng trăm hộ dân tại các tổ: 5, 16, 22, 23, KP.4, phường Trảng Dài nhiều năm nay khắc khoải sống trong không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi mùi hôi thối từ nước thải chăn nuôi heo...
Nước thải từ các chuồng heo được xả trực tiếp ra khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: M.Quân |
Người dân ở những khu vực này đã nhiều lần phản ảnh vấn đề trên lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không hề thuyên giảm.
* Dân bất lực… chịu trận
Chỉ cần đến khu vực phía sau Trường đại học công nghệ Đồng Nai, bất kỳ ai cũng cảm nhận được mùi hôi thối bao trùm cả khu dân cư, nhất là vào ngày nắng nóng. Những người sống trong khu vực này cho biết ai nấy đều rất bất bình, bởi đã nhiều năm nay họ trông mong những chuồng heo hàng trăm con ngưng chăn nuôi hoặc di dời đi nơi khác. Thế nhưng, mọi chuyện đến nay vẫn không có gì thay đổi.
Theo báo cáo của UBND TP.Biên Hòa, đến nay vẫn có một số phường, xã còn tồn tại tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm, như: Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình; và các xã: Phước Tân, Tam Phước, Long Hưng… Tuy nhiên, đến nay việc xử lý vẫn chưa được triệt để. Nguyên nhân là vì chính quyền địa phương mới chỉ tổ chức vận động, tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở, chưa xử lý bằng biện pháp cưỡng chế. Hiện UBND thành phố đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét để có biện pháp khả thi nhất trong việc xử lý dứt điểm việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư. |
Bà N.T.V., ngụ tại tổ 5, KP.4, khẳng định thời gian qua mùa nắng cũng như mùa mưa, dân cư phải sống chung với mùi hôi thối kéo dài hết ngày này đến tháng nọ. Hầu hết các hộ gia đình ở đây thường phải đóng kín cửa để giảm bớt mùi hôi. Theo bà V., trẻ em ở khu phố này rất đông, trong khi tình trạng ô nhiễm kéo dài nên nhiều trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết. Nói về tình cảnh mùi xú uế bao trùm ở khu dân cư cả ngày lẫn đêm, bà V. bức xúc: “Bây giờ đã bắt đầu vào mùa nắng, chắc chắn mùi hôi thối còn nặng hơn. Bởi dòng suối, cống rãnh bị khô hạn, chất thải của heo không thể trôi đi được sẽ dồn lại thì càng bốc mùi kinh khủng hơn”.
Không chỉ bà V., một số hộ dân khác mà chúng tôi đã gặp đều than trời vì không biết làm sao để cuộc sống của họ không còn bị ảnh hưởng từ chuyện nuôi heo ở khu dân cư. Lạ ở chỗ, trước đây heo của các hộ chăn nuôi còn giới hạn, nhưng nay thì chuyện tăng đàn ngày càng nhiều hơn, mặc mọi người có ý kiến phản đối. Bà T.H.Th., ngụ ngay phía sau một dãy chuồng heo dài hàng chục mét tại tổ 5, KP.4 phàn nàn: “Từ lâu chúng tôi đã nghe nói Nhà nước quy định không được nuôi heo trong khu dân cư, nhưng không hiểu sao thời gian qua chuyện nuôi heo ở khu vực vẫn tồn tại làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nơi đây. Chúng tôi đề nghị thành phố nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm vấn đề này để trả lại cuộc sống trong lành của nhân dân”.
* Ngành chức năng loay hoay?
Theo người dân ở KP.4, phường Trảng Dài, chất thải từ các hộ nuôi heo hầu hết được xả trực tiếp xuống suối Săn Máu. Có những hộ nằm cách xa suối nhưng vẫn nuôi hàng trăm con heo. Các loại chất thải trong những chuồng heo ở xa được cho chảy ra một rãnh nước nhỏ dẫn đến dòng suối. Trong mùa khô, vì không có nước mưa cuốn trôi nên chất thải đọng lại bốc mùi nặng nề.
Ngày 19-10-2015, UBND tỉnh ban hành văn bản số 8538/UBND-CNN, chỉ đạo về việc xử lý đối với các hộ chăn nuôi không theo quy hoạch ở TP.Biên Hòa. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu giám đốc các sở: Xây dựng, Tài nguyên - môi trường, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Công thương cùng Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa và Giám đốc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai phối hợp xử lý. Cụ thể, ngành điện ngưng cung cấp điện cho những hộ vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với biện pháp khắc phục là buộc di dời hoặc xử lý theo Luật Xây dựng đối với những hộ chăn nuôi xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch để làm cơ sở pháp lý cho ngành điện cắt điện. |
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng ô nhiễm do những hộ chăn nuôi heo gây ra ở khu dân cư, Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài Trần Mạnh Hùng thừa nhận toàn phường hiện có 198 hộ chăn nuôi heo với số lượng từ 150-200 con/hộ. Hầu hết các hộ này đều cho nước thải trực tiếp ra môi trường, không bảo đảm vệ sinh. Vừa qua, UBND phường đã tham mưu cho UBND TP.Biên Hòa ban hành 65 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc di dời cơ sở nuôi heo trong vòng 30 ngày đối với 65 hộ tại KP.4. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một số hộ đóng phạt và 1 hộ ngưng nuôi heo. Còn lại chưa có hộ nào thực hiện di dời. Theo ông Hùng, muốn giải quyết được tình trạng ô nhiễm này thì cần có một chế tài đủ mạnh đối với những hộ cố tình chăn nuôi heo trong khu dân cư. Có như thế thì địa phương mới có cơ sở thực hiện các biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm đã kéo dài nhiều năm qua.
Minh Quân