Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường hẻm mạnh ai nấy chiếm

12:10, 31/10/2015

Nhiều đường hẻm ở TP.Biên Hòa lâu nay bị một số người chiếm dụng để kinh doanh buôn bán. Việc lấn chiếm này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cản trở lối đi chung mà còn ảnh hưởng đến công tác cấp cứu và chữa cháy khi có sự cố xảy ra…

Nhiều đường hẻm ở TP.Biên Hòa lâu nay bị một số người chiếm dụng để kinh doanh buôn bán. Việc lấn chiếm này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cản trở lối đi chung mà còn ảnh hưởng đến công tác cấp cứu và chữa cháy khi có sự cố xảy ra…

Người dân lấn chiếm đường hẻm ở phường Tân Mai để buôn bán.  Ảnh: P.Liễu
Người dân lấn chiếm đường hẻm ở phường Tân Mai để buôn bán. Ảnh: P.Liễu

Mới đây, 2 người ở gần chợ Tân Mai đã cãi vã rồi đánh nhau gây thương tích. Nguyên nhân chỉ vì tranh giành chỗ bán hàng trong cùng một đường hẻm.

* Đường thành… chợ

Lâu nay, tại hẻm 394, bên hông Lab Thế Nam thuộc KP.1, phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) bị chiếm dụng cả ngày. Buổi sáng, tại đây tiểu thương bán đồ ăn sáng, như: thịt, cá, rau củ; buổi chiều khu vực này “xôm tụ” hơn khi hàng quán gồm xe bán bánh bao, hàng bún vịt, xe bán bánh kẹo và một hàng nước mía chẳng khác gì chợ nhỏ. Vì thế, dù đường hẻm khá rộng nhưng do bị lấn chiếm cả hai bên, cộng với xe cộ của người mua dựng bừa bãi đã khiến việc đi lại ở đây khó khăn, nhất là đối với xe ô tô phải có “lơ xe” dẹp đường mới có thể chạy vào được.

Tương tự, tại hẻm 59, tổ 9, KP.3 (thuộc phường Tân Tiến) cũng bị hàng ăn chiếm dụng cả sáng và chiều; hẻm 240, KP.2 (phường Thống Nhất) bị biến thành chỗ bán cháo lòng. Nhiều đường hẻm khác cũng bị chiếm dụng cho đủ mọi mục đích kinh doanh, như: các đường hẻm số 141, 85, 272 trên đường 30-4; hẻm 128 đường Phan Đình Phùng; hẻm 19/4 đường Hồ Văn Đại; hẻm 62 đường Cách Mạng Tháng Tám… Đặc biệt, nhiều con hẻm không số ở phường Tân Mai bị “chặn” cả hai đầu, như hẻm bên hông tiệm áo cưới Thanh Tấu một đầu bị xe bán nước mía, đầu kia bán  bánh ướt… Chưa hết, ngay dưới cổng chào một số khu phố văn hóa ở TP.Biên Hòa thường xuyên bị án ngữ bởi những xe bán bánh mì, hàng cháo, bún, cà phê, chỗ giữ xe, nơi để vật liệu xây dựng… khiến cho những khu vực này trở nên bát nháo rất khó coi. 

Ngoài việc bày bàn ghế, để vật dụng sinh hoạt, để xe chiếm khá nhiều diện tích đường hẻm, thì việc treo móc, giăng mắc lều bạt che nắng, che mưa của những người lấn chiếm này làm cho những con hẻm trở nên nhếch nhác.

* Khó “đòi” được sự thông thoáng cho đường hẻm?

Điều đáng nói là vệ sinh môi trường tại những nơi buôn bán trên đường hẻm không được các hộ dân quan tâm. Tình trạng xả rác bừa bãi, thức ăn rơi rớt… đã làm mồi cho ruồi, nhặng, chuột, bọ sinh sôi phát triển.

Ông Trần Dương Vũ, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết: “Việc lấn chiếm các đường hẻm, lấn chiếm lòng lề đường ở Biên Hòa diễn ra khá phổ biến. Hành vi này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời hạn chế và cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Mới đây, UBND TP.Biên Hòa đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo các phường, xã tiến hành giải quyết tình trạng này. Riêng Phòng Quản lý đô thị Biên Hòa thời gian qua thường xuyên phối hợp với Phòng Tài nguyên - môi trường và Phòng Văn hóa thông tin đến vận động, nhắc nhở tiểu thương không được chiếm dụng đường hẻm để buôn bán. Vào đợt cao điểm, đoàn kiểm tra có tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng những hộ kinh doanh trên đường hẻm phần lớn là người nghèo nên khi bị xử phạt, họ đã… bỏ của chạy lấy người”.

Nói về việc lấn chiếm đường hẻm để buôn bán, bà Nguyễn Thị Bình, người bán hột vịt lộn trong một con hẻm trên đường Nguyễn Ái Quốc, giãi bày: “Hàng ngày tôi dọn hàng từ 18 giờ, bán đến hơn 22 giờ thì nghỉ. Tôi thấy chuyện làm ăn của tôi không ảnh hưởng gì mấy đến trật tự công cộng. Vì hẻm rộng, tôi chỉ bày vài cái bàn nhỏ, khách ăn cũng không nhiều nên việc đi lại của bà con cũng chẳng khó khăn gì”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bân ngụ ở đầu hẻm bên hông nhà thờ Tân Mai, phường Tân Mai than phiền: “Những đường hẻm ở khu vực này lâu nay đã thành chỗ bán hàng, chẳng khác gì chợ. Bắt đầu từ 5 giờ sáng, hàng quán lịch kịch dọn ra. Bàn ghế kê từng dãy, thức ăn nấu nướng khói bay nghi ngút. Điều đáng nói là sau khi bán xong, những người bán hàng đã trút hết cả nước rửa chén, cơm thừa canh cặn xuống cống. Lâu ngày đường cống này bị nghẹt, thức ăn thừa sình lên, trời nắng bốc mùi rất hôi thối”.

Người buôn bán trên đường hẻm ở KP.6, phường Tân Tiến.
Người buôn bán trên đường hẻm ở KP.6, phường Tân Tiến.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng chiếm dụng đường hẻm để kinh doanh, lãnh đạo các phường: Trung Dũng, Tân Mai, Bình Đa cho biết, rất khó chấm dứt được thực trạng này. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND phường Trung Dũng, bày tỏ: “Trên địa bàn phường có hai hẻm chợ là Dốc Sỏi và Kỷ Niệm. Hai hẻm chợ trên đã hình thành từ trước năm 1975 và là nhu cầu thực tế của bà con. Do phường không có đất trống để bố trí điểm họp chợ khác nên chúng tôi thường xuyên nhắc nhở những người bán hàng phải giữ gìn vệ sinh chung, đảm bảo an ninh trật tự, không bày hàng hóa lấn chiếm lề đường. Theo kế hoạch của UBND TP.Biên Hòa, chợ Dốc Sỏi chỉ được tồn tại đến năm 2017, còn chợ Kỷ Niệm đến năm 2020 phải giải tỏa”.

          Uyên Uyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều