Báo Đồng Nai điện tử
En

3 điều ước ở khu đồi 57

08:10, 17/10/2015

Nằm khuất dưới những tán rừng cao su là hơn 160 hộ dân thuộc khu đồi 57, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Khu vực này bao năm qua không phát triển được bởi giao thông trở ngại, còn điện, nước đều thiếu thốn...

Nằm khuất dưới những tán rừng cao su là hơn 160 hộ dân thuộc khu đồi 57, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Khu vực này bao năm qua không phát triển được bởi giao thông trở ngại, còn điện, nước đều thiếu thốn...

 Đường gập ghềnh dẫn vào khu đồi 57, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ hiện nay
Đường gập ghềnh dẫn vào khu đồi 57, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ hiện nay

Con đường mòn dài khoảng 3km dẫn vào khu đồi gập ghềnh, chênh vênh. Đường tuy có chiều ngang khoảng 3-4m, nhưng chỗ để xe đi được chỉ chưa đầy nửa mét lại rất trơn trượt, phần còn lại là những rãnh nước xen lẫn đá nhấp nhô, cỏ cây um tùm.

* Khắc khoải một vùng đất

Phải khó khăn lắm Bí thư đoàn xã Long Giao Nguyễn Thị Thương mới giữ vững tay lái xe vượt qua những khúc đường rất khó đi. Chiếc xe máy chuyên dùng đi đường gập ghềnh được chị Thương mượn của người bà con nhiều lúc muốn nằm “ăn vạ” bởi có nhiều đoạn không thể gọi là đường. Chị Thương kể, đoàn xã Long Giao được giao nhiệm vụ bám khu đồi 57 nhiều năm nay nên đoàn viên thuộc nằm lòng địa bàn nơi đây. Với 26 hộ nghèo và 4 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, khu đồi 57 được xem là vùng khó khăn nhất của xã hiện nay. Khu đồi 57 có trên 100 hécta đất nông nghiệp, chủ yếu trồng điều và tiêu. Tại địa phương, một số trường hợp không đủ đất canh tác, chủ yếu làm thuê kiếm sống nên nhiều hộ gia đình còn khó khăn, cơ cực.

Nói về đời sống khó khăn của người dân trong khu đồi 57, lãnh đạo UBND xã Long Giao, cho biết nước sạch ở khu vực đồi 57 là vấn đề địa phương rất quan tâm. Vào mùa khô, phần lớn các gia đình phải mua nước sạch từ ngoài xã về sử dụng. Trước đây, UBND xã có đầu tư khoan 1 giếng ngầm để có nước sạch cho nhân dân sinh hoạt, song do khoan không đúng chỗ nên giếng không có nước. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đầu tư, thăm dò khu vực có nước ngầm để khoan 1 giếng mới.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi đặt chân đến sau khi băng qua những đoạn đường mòn khúc khuỷu, lầy lội là của ông Dương Lửa. Vợ chồng ông Lửa năm nay ngoài 60 tuổi, có 3 người con đã lập gia đình và đều sống trong khu đồi 57 nhưng chẳng ai khá. Ông Lửa cho biết, gia đình ông có 8 sào đất trồng tiêu và điều nhưng vì trồng trên đất sỏi đá, mùa khô không có nước tưới nên năng suất không cao. Theo ông Lửa, thực tế người dân khu đồi 57 những năm qua đã rất cố gắng làm lụng để có cuộc sống ổn định hơn. Song “lực bất tòng tâm”, người dân cứ nai lưng ra mà làm thuê thì làm sao khá được. Mặt khác, đất sản xuất ít rồi các điều kiện để thay đổi tập quán canh tác như điện, nước lại không đáp ứng nên dẫu có nỗ lực cách mấy người dân cũng chưa thể có cuộc sống khá hơn. “Tháng mưa thì còn tranh thủ trồng bắp, rau… nhưng tháng nắng thì nước sinh hoạt còn thiếu nên vườn tược phải bỏ không. Các con tôi đứa nào cũng nghèo nên cuộc sống rất chật vật. Người dân ai chẳng muốn đổi đời nhưng không biết bằng cách nào, bắt đầu từ đâu” - ông Lửa chia sẻ.

Quang cảnh hiu quạnh, heo hút
Quang cảnh hiu quạnh, heo hút

Giống như gia đình ông Lửa, nhiều hộ khác ở khu đồi 57 còn rất khó khăn, một số hộ không có đất sản xuất, phải đi làm thuê nên thu nhập không ổn định. Rơi vào tình cảnh này phải kể đến gia đình anh Nguyễn Ái Quốc. Anh Quốc có 2 con nhỏ chưa tới tuổi đến trường, nhưng một bé trai 6 tuổi bị bệnh tiểu đường nặng gây biến chứng lên não, mất dần khả năng vận động. Hàng ngày, anh chị phải gửi con lên nhà ông bà ngoại để đi làm thuê. Do gia cảnh nghèo khó nên anh chị không có tiền đưa con đi điều trị bệnh, đành phải ngậm ngùi nhìn con mòn mỏi hàng ngày trong bệnh tật. Đây cũng là trường hợp đang được đoàn xã Long Giao nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

* Giấc mơ được đổi đời

Hiện khu đồi 57 chưa có đường điện quốc gia, chưa đủ nước để phục vụ sản xuất, và quan trọng nhất là đường dẫn vào khu dân cư cho tới nay vẫn chưa nên hình hài. Một số hộ ở gần trục đường chính hoặc giáp ranh với một số xã khác thì có thể kéo đường dây điện xài ké, nhưng phải trả với giá cao ngất ngưởng gần 40 ngàn đồng/kWh. Tuy nhiên, số hộ có điện sử dụng chẳng đáng là bao bởi các hộ dân thưa thớt, mỗi nóc nhà cách nhau ít nhất cả trăm mét. Hơn nữa, khu vực này có địa hình đồi núi và các lô cao su san sát nên muốn xây dựng hệ thống điện sinh hoạt vào khu dân cư sẽ rất tốn kém.

Lớp học đặc biệt ở khu đồi 57 vì sĩ số học sinh mỗi lớp học đếm trên đầu ngón tay nên cô giáo phải dạy ghép.
Lớp học đặc biệt ở khu đồi 57 vì sĩ số học sinh mỗi lớp học đếm trên đầu ngón tay nên cô giáo phải dạy ghép.

Không chỉ vất vả trong cuộc sống, những thiếu thốn ở khu đồi 57 còn khiến cho việc học hành của con em trong khu đồi gặp nhiều khó khăn. Đến nay khu đồi đã có phân hiệu Trường tiểu học Trần Quốc Toản với 5 phòng học và 22 học sinh tiểu học. Lớp học nơi đây cũng khá đặc biệt vì phải ghép chung, như: lớp 1 có 5 học sinh, lớp 2 và 4 được 9 em, lớp 3 và 5 được 8 em. Trong trường còn có một lớp mẫu giáo với 7 cháu đang theo học. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên lớp 2 và 4 tại trường, cho biết các em học sinh ở đây rất chăm ngoan dù nhà cách xa trường, đường đi khó khăn nhưng vẫn đến lớp đầy đủ. “Giáo viên của trường chính ngoài xã được luân chuyển vào đây 2 năm/lần. Trời nắng thì còn đi xe được chứ trời mưa là tụi tôi phải lội bộ 3km để đến trường. Tuy cực nhưng thấy các em chăm chỉ học hành nên giáo viên dù thời tiết có thất thường thì vẫn bám lớp, không nghỉ buổi nào” - cô Hương tâm sự.

Theo Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Hoàng, đường vào khu đồi 57 là một trong số những con đường huyết mạch của huyện cần đầu tư xây dựng trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển kinh tế. Trong đó có các tuyến đường chính, như: Long Giao - Bảo Bình, hương lộ 10, Sông Nhạn - Dầu Giây… Hiện các công trình này đang chờ vốn đầu tư của tỉnh phân bổ về thì mới tiến hành thực hiện.

Chia tay người dân khu đồi 57, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước những thiếu thốn, gian truân của người dân nơi đây. Hầu hết mọi người khu đồi đều có chung một ước vọng: mong có một con đường thuận tiện đi lại và điện, nước đầy đủ để bà con tăng gia sản xuất.

Ngọc Liên

 
 

 

 
 

 

 

Tin xem nhiều