Báo Đồng Nai điện tử
En

Thoát nghèo từ những tổ hợp tác sản xuất

09:09, 22/09/2015

Mấy năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà nhiều hộ dân ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán) đã vươn lên thoát nghèo.

Mấy năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà nhiều hộ dân ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán) đã vươn lên thoát nghèo.

Nói về công tác xóa đói giảm nghèo tại xã Phú Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú nhận định: “Phú Hòa là một trong những xã triển khai khá tốt các chính sách về an sinh xã hội của Nhà nước”.

* Giảm nghèo bền vững

Theo ông Tú, thông qua những tổ hợp sản xuất phù hợp, các hộ nghèo trong xã đã tìm được mô hình sản xuất hiệu quả, giúp họ giảm nghèo bền vững.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Tâm chăm sóc cây cà phê sắp thu hoạch.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Tâm chăm sóc cây cà phê sắp thu hoạch.

Toàn xã hiện có 5 tổ sản xuất gồm: tổ hợp chăn nuôi dê, và các tổ hợp trồng cây lúa, cây tiêu, cây cà phê, cây có múi. Mỗi tổ hợp có từ 10-27 hộ nghèo tham gia. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sản xuất, hộ nông dân chọn tổ sản xuất phù hợp với gia đình mình. Thông qua các đợt sinh hoạt chung, thành viên trong tổ cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn, cây, con giống… nhờ đó mà năng suất chăn nuôi và trồng trọt được tăng lên.

Nhớ lại 5 năm trước, khi gia đình còn là hộ nghèo nhất của ấp 2, xã Phú Hòa, anh Nguyễn Hữu Tâm kể: “Khi ra ở riêng, vợ chồng tôi được cha mẹ cho 3 sào đất. Tuy nhiên, trồng cây gì cũng phát triển èo uột nên tôi bỏ đất không, cả nhà làm thuê kiếm sống. Do thu nhập bấp bênh, lại có 2 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Vì thế, chính quyền địa phương phải hỗ trợ xây nhà tình thương thì gia đình tôi mới có chỗ ở. Từ ngày tham gia sinh hoạt trong tổ hợp trồng cà phê và được hỗ trợ cây giống, phân bón, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, vợ chồng tôi đã cải tạo lại đất và xuống giống cây cà phê. Khi cây còn nhỏ, tôi trồng xen canh thêm cây bắp để lấy ngắn nuôi dài. Khu đất ngày nào giờ đã thành rẫy cà phê tươi tốt đang chuẩn bị vào thu hoạch đầu tiên”. Theo anh Tâm, vụ này nhiều khả năng thu hoạch hơn 2 tạ cà phê nhân. Tính giá thị trường hiện nay khoảng 34 ngàn đồng/kg, gia đình anh sẽ thu được gần 70 triệu đồng, khoản tiền lớn từ trước đến giờ vợ chồng anh chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Gia đình anh Tâm là một trong hàng trăm hộ dân ở xã Phú Hòa nhờ tham gia các tổ sản xuất mà cải thiện được đời sống kinh tế gia đình. Nổi bật về chuyện thoát nghèo ở địa phương, phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Kim Chi, ở ấp 4. Từ 2 con dê giống được Nhà nước hỗ trợ năm 2010, đến nay vợ chồng chị đã gầy dựng được một đàn dê 24 con, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng từ việc xuất chuồng dê con và dê thịt.

* Hướng tới xây dựng nông thôn mới

Chính việc chọn mô hình sản xuất phù hợp mà nhiều gia đình ở xã Phú Hòa có thể thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Từ 2 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Kim Chi đã phát triển thành đàn dê và thu về gần 100 triệu đồng/năm.
Từ 2 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Kim Chi đã phát triển thành đàn dê và thu về gần 100 triệu đồng/năm.

Đánh giá về những thay đổi của người dân địa phương thời gian qua, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Nguyễn Thị Liên cho biết khi thành lập các tổ sản xuất, cán bộ xã đã khảo sát thực tế hoàn cảnh và điều kiện canh tác của từng hộ dân; nhờ các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp về tư vấn giúp bà con chuyển đổi cây trồng hoặc chăn nuôi phù hợp. Hiện xã Phú Hòa có 972 hécta cây lâu năm, 97 hécta cây ăn quả, gồm: cam, quýt, bưởi, nhãn, chuối, xoài. Ngoài ra, xã đang nhân rộng mô hình trồng cây cho năng suất cao, như: bưởi, cam, đu đủ, tắc... “Mục tiêu mà chi bộ và chính quyền địa phương xã Phú Hòa hướng đến, là kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6% hiện nay xuống còn 3% vào năm 2016 để xã đạt chuẩn nông thôn mới” - bà Liên nhấn mạnh.

Cùng nhận định như bà Liên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Hòa Cổ Thế Thành cho rằng, để xây dựng thành công xã nông thôn mới thì ngoài phát triển “phần cứng” là thực hiện đúng tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vấn đề còn lại là giải quyết tốt “phần mềm” về an sinh xã hội. Đây là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới bền vững, song lại là phần có nhiều biến động rất cần sự năng động của chính quyền và nhân dân địa phương.

 Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều