Dù đã có quy định cấm các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và kích hoạt sẵn sim điện thoại di động, nhưng thời gian qua các loại sim trôi nổi (còn gọi là sim rác) vẫn được bán tràn lan trên thị trường.
Dù đã có quy định cấm các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và kích hoạt sẵn sim điện thoại di động, nhưng thời gian qua các loại sim trôi nổi (còn gọi là sim rác) vẫn được bán tràn lan trên thị trường.
Sim kích hoạt trước được bán tại một điểm trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: M.QUÂN |
Tại những cửa hàng kinh doanh dịch vụ về thông tin di động ở TP.Biên Hòa, khách hỏi mua sim rác thì hầu hết nơi nào cũng có.
* Loạn sim rác
Tại một số cửa hàng bán thẻ cào điện thoại ở trung tâm TP.Biên Hòa, chúng tôi hỏi mua sim đã kích hoạt sẵn đều được chủ cửa hàng cho xem khá nhiều loại với mệnh giá và tài khoản có sẵn. Hầu hết các mạng, như: Vinaphone, Mobifone, Viettel, VietNamobile, G-mobile đều có sim loại này. Người bán còn giới thiệu sim “trôi nổi” nhiều loại giá, tương ứng với số tiền có sẵn trong tài khoản, phần lớn dao động từ 40-75 ngàn đồng. Điều đáng nói là trong tài khoản thường có sẵn từ 30-190 ngàn đồng tiền khuyến mãi.
Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, ngày 13-4-2012 của Bộ Thông tin - truyền thông (có hiệu lực từ 1-6-2012) quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước. Theo đó, nghiêm cấm sử dụng giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định... |
Tại một cửa hàng bán card điện thoại trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), khi chúng tôi hỏi mua sim đã kích hoạt sẵn của mạng Vinaphone, chủ tiệm liền giới thiệu có 2 mức giá: loại sim giá 50 ngàn đồng, trong tài khoản có 30 ngàn đồng và loại sim giá 75 ngàn đồng thì được khuyến mãi 190 ngàn đồng. Tương tự, các cửa hàng trên đường: Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận… đều bán sim rác với nhiều loại giá khác nhau. Ngoài sim đã kích hoạt trước, dịch vụ 3G cũng được kích hoạt đồng thời với sim. Khách hàng mua sim loại này thường không được tư vấn kỹ nên nhiều người khi lắp sim vào điện thoại thông minh (smartphone) có chế độ tự tương thích với 3G sẽ dẫn đến tình trạng điện thoại liên tục bị trừ tiền mà không biết do đâu. Khách hàng thắc mắc gọi đến tổng đài nhà mạng thì mới được giải thích rõ, cơ bản là phí truy cập internet. Theo đó, “thủ phạm” “chôm” tiền của người sử dụng smartphone là do cài sim đã kích hoạt 3G sẵn gây nên.
* Nhà mạng ở đâu?
Dù quy định cấm bán sim thuê bao di động kích hoạt sẵn, nhưng trên thực tế sim rác vẫn tràn lan khắp nơi. Điều này cho thấy, công tác quản lý việc đăng ký thuê bao di động tại các nhà mạng còn rất lỏng lẻo. Tình trạng một người sử dụng vượt số sim thuê bao di động trong một mạng (tối đa 3 số/mạng di dộng) vẫn còn nhiều, nhưng không bị nhà mạng phát hiện, xử lý. Đây là những nguyên nhân khiến sim rác còn tồn tại trên thị trường.
“Người sử dụng smartphone cần lưu ý: khi mua sim, nếu không có nhu cầu sử dụng 3G thì yêu cầu nơi đăng ký không kích hoạt 3G cho sim cần mua. Nếu thấy sim vẫn báo 3G thì đề nghị nhân viên hủy ngay. Người sử dụng điện thoại phải kiểm tra kỹ sim, chức năng của máy và cần kiểm soát thông tin trên điện thoại nhằm kịp thời phát hiện và có hướng xử lý để tránh mất tiền oan” - ông Nguyễn Đồng Thương nhấn mạnh. |
Trao đổi về tình trạng sim rác hiện nay, ông Nguyễn Đồng Thương, Trưởng phòng Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin - truyền thông), cho biết hiện nay tất cả các sim thuê bao di động đều do nhà cung cấp dịch vụ di động quản lý. Theo quy định, sim bán trên thị trường phải là sim trắng, khi khách hàng có nhu cầu sử dụng mới kích hoạt theo yêu cầu của khách hàng. Vừa qua, Bộ Thông tin - truyền thông yêu cầu 3 nhà mạng lớn là: Vinaphone, Mobifone và Viettel kiểm tra, đánh giá lại việc quản lý thông tin di động. Bởi thời gian qua công tác quản lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động chưa chặt chẽ, dữ liệu chính thức về thuê bao chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề thực hiện chưa đúng quy định của Thông tư 04/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin - truyền thông…
Dù những thiếu sót của nhà cung cấp dịch vụ di động đã được nêu rõ, nhưng đến nay các nhà mạng vẫn chưa có động thái chấn chỉnh tích cực. Từ đó, sim rác vẫn tràn ngập thị trường với những chiêu bài giá rẻ, không cần đăng ký thông tin cá nhân, lại có tiền sẵn trong tài khoản nên vẫn hấp dẫn người tiêu dùng.
Minh Quân