Thời gian qua, tại Đồng Nai, các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã được tỉnh hỗ trợ kịp thời và đầy đủ, tạo điều kiện để bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Thời gian qua, chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Ở Đồng Nai, các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ. Nhiều hộ gia đình đã vượt qua nghèo khó, cuộc sống có nhiều khởi sắc.
* Thay đổi nhận thức
Chúng tôi đến Tà Lài vào một ngày giữa tháng 9. Những ngôi nhà sàn mới của đồng bào dân tộc ở ấp 4 được dựng lên nhiều hơn, cánh đồng đang vào mùa gặt thoang thoảng thơm mùi lúa chín và từng đàn bò, dê thong thả ăn cỏ trên đồng… cho thấy vùng đất này đã và đang tiếp tục thay da đổi thịt.
Con em đồng bào dân tộc ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú đi học mẫu giáo đúng tuổi. |
Xã Tà Lài hiện có hơn 1,8 ngàn hộ với khoảng 7 ngàn nhân khẩu, trong đó 30% dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Tà Lài là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhưng mới đây đã chính thức ra khỏi diện này nhờ nỗ lực vươn lên của người dân, nhất là của bà con đồng bào dân tộc. Sự đổi thay diện mạo của một vùng đất, đồng nghĩa với nhận thức của bà con dân tộc hiện nay đã khác xưa rất nhiều.
Nói về cuộc sống của đồng bào ấp 4, ông K’Cân, từng là Bí thư Chi bộ ấp 4, Trưởng ấp 4 gần 20 năm, cho biết trước đây người dân tộc rất khổ, thiếu thốn đủ bề; quanh năm chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ năm 2005 trở lại đây, công tác khuyến nông được đẩy mạnh, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được áp dụng nên năng suất cây trồng, vật nuôi tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Những dự án, chương trình cho vay giúp vốn “về” thường xuyên hơn nên bà con có điều kiện đầu tư sản xuất. Theo ông K’Cân, trước đây nhiều hộ trồng điều trong ấp chỉ rẫy cỏ mà chẳng bón phân, tưới nước nên năng suất rất thấp. Từ khi được cán bộ khuyến nông về hướng dẫn, bà con đã áp dụng kỹ thuật, như: cắt tỉa cành vượt, cành sâu bệnh, tạo tán vườn cây… nên năng suất điều đạt từ 1- 2 tấn/hécta, tăng gấp 3 lần so với trước; việc trồng lúa giống mới đã đạt 5 tấn/sào, tăng hơn 4 lần cách đây nhiều năm. Chính nhờ lao động cần cù nên nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để, con cái đi học đầy đủ.
Tương tự, khu vực ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) là ngôi làng của bà con đồng bào dân tộc Chơro nay đã khác trước rất nhiều. Sau nhiều năm sống du canh du cư, đến nay họ đã quyết định dừng chân nơi đây xây dựng cuộc sống ổn định. Làng dân tộc Bình Hòa có hơn 300 hộ dân tập trung sinh sống với gần 2 ngàn nhân khẩu. Dạo trước, một phần do đất đai cằn cỗi và phương thức canh tác lạc hậu nên đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tổng số hộ toàn ấp. Bên cạnh đó, thái độ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn tồn tại trong tư tưởng nên nghèo đói cứ luôn đeo bám các gia đình. Trước thực trạng khó khăn của các hộ đồng bào dân tộc, chính quyền xã Xuân Phú đã đề ra nhiều giải pháp giúp bà con thay đổi cách nghĩ cách làm, như: thực hiện “ăn chín, uống sôi”; di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với khu vực sinh hoạt của người… Vì vậy, đến nay đời sống của phần lớn bà con dân tộc nơi đây đã thay đổi.
* Vươn lên trong cuộc sống
Cũng giống như các vùng đồng bào dân tộc khác, ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) hiện có khoảng 89 hộ dân với 450 nhân khẩu là người dân tộc Châu Mạ. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cùng với sự cố gắng vươn lên nên đời sống của bà con nơi đây đang ngày càng có những thay đổi tích cực. Hầu hết trẻ em đều học đến hết THCS; một số trường hợp học lên trung cấp, cao đẳng, đại học…
Nhà văn hóa dân tộc tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. |
Một trong những điển hình cho sự vươn lên ở làng dân tộc Châu Mạ là trường hợp gia đình anh K’Vĩnh, một hộ dân không có đất sản xuất nhưng đã tạo lập được một cơ ngơi khang trang giữa ấp Bon Gõ. Anh K’Vĩnh cho biết, trước đây gia đình anh thường xuyên ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Hàng ngày, vợ chồng anh chỉ biết vào rừng bẻ măng hoặc đi làm thuê cho người khác. Với quyết tâm vượt qua đói nghèo, K’Vĩnh đã thuê 1 hécta ruộng của nhiều người để trồng lúa. Ngoài làm ruộng, K’Vĩnh còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Nhờ chí thú làm ăn, đời sống kinh tế gia đình anh trở nên ổn định, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường. Không chỉ gia đình K’Vĩnh, nhiều hộ khác cũng vươn lên trong khó khăn để xây dựng cuộc sống mới. Nếu như trước đây, phụ nữ dân tộc Châu Mạ suốt ngày vào rừng hái măng để kiếm tiền, thì nay họ đã biết học nghề, làm công nhân; người có con nhỏ nhận những việc gia công tại nhà. Từ đó, họ được tiếp cận nhiều hơn với xã hội bên ngoài.
Ông Phạm Hoàng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Quán, nhấn mạnh: “Giải pháp giảm hộ dân tộc thiểu số nghèo được huyện áp dụng thời gian qua, chính là việc kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, vốn, giống cây trồng, vật nuôi để đồng bào tổ chức tăng gia sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống”. Bà Mai Thị Thùy, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) cho biết trước đây chỉ có khoảng 70% số trẻ dân tộc tuổi mầm non ra lớp, nhưng từ năm 2014 đến nay tất cả các cháu đều đi học đúng tuổi. Đây là một đổi thay rất lớn trong ý thức của bà con. Hiện Nhà nước đang hỗ trợ các cháu con em đồng bào dân tộc 100 ngàn tiền ăn và 70 ngàn tiền học/tháng. Một số trẻ tiểu học con em hộ nghèo còn được UBND xã tặng xe đạp, tập vở để tiếp sức các em đến trường. |
Riêng tại KP.Hiệp Nhất, thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) có nhiều dân tộc sinh sống, như: Chăm, Hoa, Châu Mạ, Khmer sinh sống. Trong số này có 70 hộ là dân tộc Khmer. Trước đây, Hiệp Nhất được người dân địa phương gọi biệt danh là khu phố “hai nhất” vì là nơi nghèo nhất và có tệ nạn xã hội nhiều nhất thị trấn. Thế nhưng, trong vòng 3 năm trở lại đây thì cái biệt danh ấy không còn nữa. Cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc tại đây đã từng bước thay đổi tích cực, số hộ nghèo giảm hẳn so với trước. Nếu năm 2013, 100% đồng bào Khmer thuộc diện nghèo, thì nay chỉ còn 21 hộ. Nhận định về đời sống của người dân trong khu vực, ông Sơn Thing người có uy tín đối với đồng bào dân tộc Khmer khẳng định, ngày trước bà con không có đất canh tác, không nghề nghiệp nên chỉ đi làm thuê, lượm ve chai... khiến mọi gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình nghèo túng, đông con lại không được học hành nên rất dễ vướng vào tệ nạn cờ bạc, trộm cắp vặt. Song hiện tại, tình trạng trên không còn nữa, cuộc sống bà con đã thay đổi đáng kể. Bà con đã biết lao động cật lực để dành dụm lo cho tương lai các con, không tiêu xài hoang phí…
Một góc làng dân tộc Châu Mạ tại ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú. Ảnh: N.Liên |
Có thể nói, sự “thay da đổi thịt” tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là điều đáng mừng, trong đó phải kể đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; đồng thời có sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự cố gắng vươn lên của các hộ gia đình.
Nhóm P.V - C.T.V