Những ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân ở Đồng Nai về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tập trung góp ý về phát triển kinh tế - xã hội để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn…
Những ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân ở Đồng Nai về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, tập trung góp ý về phát triển kinh tế - xã hội để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn…
Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm, Chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo TP.Biên Hòa: Cơ sở tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động
Thời gian qua, những ngày lễ của Phật giáo, như: rằm tháng 7, Vu Lan, Phật Đản… được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ hoạt động, kể cả một số nghi thức diễn ra ngoài nơi thờ tự. Đối với những cơ sở Phật giáo chưa được cấp phép, chính quyền các cấp đã hướng dẫn thực hiện quy định về pháp luật để đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo được xây dựng khang trang, phù hợp với hoạt động của tôn giáo. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, trong đó có đạo Phật. Tôi tin tưởng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X sẽ thành công tốt đẹp; Ban Chấp hành khóa mới là những người có tài, có tư duy đột phá để lãnh đạo và đưa tỉnh nhà phát triển giàu đẹp, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc hơn.
Ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai: Văn nghệ sĩ được quan tâm nên có nhiều sáng tác tốt
Ý kiến đóng góp của văn nghệ sĩ đã được ghi nhận và đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X. Tôi nghĩ rằng, ý kiến thiết thực về đời sống văn hóa - văn nghệ tỉnh nhà sẽ giúp cho lãnh đạo tỉnh kịp thời có những quyết định phù hợp về lĩnh vực này. Thời gian qua, hoạt động của Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và văn nghệ sĩ đã được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để sáng tạo, sáng tác thông qua việc hỗ trợ tổ chức trại sáng tác, triển lãm, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, hội thảo, tọa đàm… Từ những hoạt động này hội viên có dịp trao đổi, học tập, tăng chất lượng sáng tác, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, quảng bá các loại hình văn học nghệ thuật đến với công chúng. Tôi kỳ vọng về đại hội lần này sẽ chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết để đưa Đồng Nai phát triển xứng tầm.
Linh mục Ngô Duy Hòa, giáo xứ Bạch Lâm 2, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Thư ký Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất: Đời sống người dân được nâng lên
Theo tôi, thời gian qua các giáo xứ trong tỉnh nói chung và giáo xứ Bạch Lâm 2 nói riêng đã được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện rất tốt trong hoạt động tôn giáo. Ở huyện Thống Nhất, chúng tôi được chính quyền địa phương giúp đỡ mọi mặt. Cụ thể, nhà thờ Bạch Lâm đã được cấp phép xây mới; 2 nhà nguyện của giáo họ Kim Phát và giáo họ Gia Phát thuộc giáo xứ cũng được sửa chữa lại. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình giáo dân còn được vay vốn sản xuất, được hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó, bà con giáo dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế ổn định. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn được phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong việc xây dựng nông thôn mới; giáo dân có cuộc sống tốt đời, đẹp đạo để xã hội ngày càng đi lên...
Ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ: Để nông dân có thu nhập 150-170 triệu đồng/hécta vào năm 2020
Người dân Cẩm Mỹ thời gian qua đã có được những thành quả kinh tế nhất định nhờ tăng gia cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng. Diện tích các loại cây đặc sản hiệu quả kinh tế cao, như: sầu riêng, bơ, một số loại cây có múi… ngày càng tăng; lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình trang trại cũng phát triển đáng kể. Từ đó, đời sống bà con được nâng lên. Tuy nhiên, để kinh tế nông thôn phát triển bền vững, người dân cần phải được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của mình; đồng thời xây dựng mối liên kết giữa nhà nông với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để bao tiêu nông sản của nông dân. Thế mạnh của cây trồng mới ở Cẩm Mỹ là dâu tằm nên ngành chức năng đang định hướng cho nông dân cải tạo các loại cây khác theo hình thức trồng xen canh. Mục tiêu đến năm 2020 nông dân đạt thu nhập 150-170 triệu đồng/hécta, vì vậy huyện tiến hành đầu tư hệ thống thủy lợi, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Nhơn Trạch: Nạn nhân chất độc da cam được Nhà nước và xã hội quan tâm, giúp đỡ
Thời gian qua, phụ trách công tác hỗ trợ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam của huyện, tôi rất vui khi thấy nạn nhân chất độc da cam được Nhà nước và cả xã hội quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, điều tôi còn ưu tư là hiện còn một số người khuyết tật ở một số địa phương bị các bệnh mà theo quy định của Bộ Y tế thì những trường hợp này phải được xem là nạn nhân da cam, song chưa được công nhận để hưởng trợ cấp hàng tháng. Vì thế, tôi rất mong trong thời gian tới những đối tượng này được các ngành chức năng xem xét, công nhận là nạn nhân chất độc da cam. Mặt khác, tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo những ngành liên quan có thể quy hoạch xây dựng trại dành cho nạn nhân chất độc da cam ở Đồng Nai để họ được nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị; các bệnh nhân và gia đình được chia sẻ nỗi đau, đặc biệt nạn nhân là trẻ em.
Đảng viên trẻ Nguyễn Thị Phước Hậu, ngụ KP.4, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa: Cần sự định hướng của Đảng để tuổi trẻ tích cực cống hiến
Tôi rất tự hào khi được trở thành đảng viên vào năm 2014. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này không chỉ có các đảng viên mà nhiều người dân địa phương cũng phấn khởi và kỳ vọng. Bản thân tôi và những bạn trẻ luôn ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, bạn trẻ có điều kiện tiếp cận những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật nhưng nếu không biết chủ động gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc thì sẽ bị mất phương hướng, sống không có lý tưởng, hoặc muốn sống thoát ly khỏi đời sống chính trị, hiểu không đúng về tổ chức Đảng. Trước những thách thức đó, hơn bao giờ hết thế hệ trẻ rất cần sự chỉ đạo, định hướng của Đảng nhằm bồi dưỡng và phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ông Huỳnh Phú Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Biên Hòa: Nhiều hộ gia đình cựu chiến binh kinh tế khá giả
Một trong những điểm nổi bật mà Hội Cựu chiến binh TP.Biên Hòa duy trì được thời gian qua, đó là truyền thống đoàn kết, nghĩa tình đồng đội được phát huy hiệu quả. Các hội viên tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nên đến nay nhiều hộ gia đình cựu chiến binh có kinh tế khá giả. Ngoài hoạt động hỗ trợ hội viên vốn sản xuất, xây nhà đồng đội, khám chữa bệnh…, Hội Cựu chiến binh TP.Biên Hòa còn làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bản thân mỗi hội viên luôn sống gương mẫu, tích cực trong cuộc sống, đi đầu trong các hoạt động chính trị - xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương; nâng đỡ, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ trong các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhóm P.V và C.T.V