Mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh phải tổ chức đoàn giám sát với sự tham gia của nhiều sở, ngành, đoàn thể… để giải quyết vụ việc khiếu nại của người dân ở xã Lộc An (huyện Long Thành) về vấn đề đất đai.
Mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh phải tổ chức đoàn giám sát với sự tham gia của nhiều sở, ngành, đoàn thể… để giải quyết vụ việc khiếu nại của người dân ở xã Lộc An (huyện Long Thành) về vấn đề đất đai.
Năm 2008, một số hộ dân ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An đã đồng thuận hiến hơn 2 ngàn m2 đất để làm đường giao thông; UBND huyện chi ngân sách 1,2 tỷ đồng để thực hiện dự án đường này. Lẽ ra chính quyền xã, huyện phải tiến hành đo đạc lại và điều chỉnh giảm trừ phần diện tích đất đã hiến ra khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng điều này không được thực hiện. Khi những hộ dân này sang nhượng toàn thửa đất cho người khác, cơ quan chức năng vẫn đồng ý cho chuyển quyền sử dụng. Tranh chấp đã phát sinh từ đó khi chủ đất mới phát hiện diện tích thực ít hơn so với phần thể hiện trong giấy chứng nhận. Những hộ dân này đã kiện 3 cán bộ ấp Thanh Bình “chiếm đất” và đòi bồi thường gần 500 triệu đồng.
Biết là “tình ngay, lý gian”, song các cơ quan chức năng rất khó giải quyết bởi giấy chứng nhận của dân ghi cụ thể tổng diện tích đất được sử dụng; còn các giấy tờ, biên bản những buổi họp dân liên quan đến việc hiến đất làm đường trước đây đều không được địa phương lưu giữ. Do vậy, việc chứng minh các chủ đất cũ đã đồng ý hiến một phần trong diện tích đất đã chuyển nhượng đều không có cơ sở.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến phân tích vụ kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất của những hộ dân này không có cơ sở vì phần diện tích đó hiện là đường giao thông. Do đó, vụ việc sẽ được đình chỉ giải quyết. Tuy nhiên, theo nhận định của những thành viên trong đoàn giám sát, nếu trước đây chính quyền địa phương làm đúng quy định, chặt chẽ hơn thì HĐND tỉnh đâu phải huy động một đoàn giám sát đến hơn 20 người và mất gần một ngày họp chỉ để giải quyết hậu quả của việc làm tắc trách của một vài cán bộ thiếu trách nhiệm.
Uyên Phương