Dù đã được điều chỉnh nhiều lần thời hạn chót hoàn thành mục tiêu 100% người dân trong tỉnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng đến nay Đồng Nai mới chỉ đạt được 63% so với tỷ lệ dân số…
Dù đã được điều chỉnh nhiều lần thời hạn chót hoàn thành mục tiêu 100% người dân trong tỉnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng đến nay Đồng Nai mới chỉ đạt được 63% so với tỷ lệ dân số…
Sở dĩ BHYT chưa hấp dẫn người dân do chưa thực sự bảo đảm quyền lợi cũng như sự thuận tiện cho người tham gia. Do đó, chủ trương mở thông tuyến khám bệnh trong tỉnh và trong nước là một yêu cầu cải thiện đang được quan tâm.
* 3 năm vẫn “giậm chân tại chỗ”
3 năm qua tỷ lệ người dân tham gia BHYT cả bắt buộc lẫn tự nguyện của Đồng Nai vẫn chỉ ở mức hơn 60%; thậm chí năm 2015, số thẻ BHYT còn giảm thêm gần 150 ngàn thẻ. Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội tỉnh, quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng chỉ người có bệnh mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, giảm tính chia sẻ cộng đồng của người dân và tạo thêm gánh nặng cho quỹ BHYT.
Khi mở thông các tuyến khám chữa bệnh, người bệnh có nhiều cơ hội được hưởng chất lượng kỹ thuật cao. Trong ảnh: Đặt stent cho một bệnh nhân bệnh tim tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. ( ảnh minh họa). |
Thật ra, với mức đóng không quá cao nên khi gặp rủi ro mắc bệnh thì người tham gia BHYT sẽ được đỡ đần khá nhiều gánh nặng viện phí. Tuy nhiên, lộ trình BHYT toàn dân của Đồng Nai vẫn đang phải gia hạn do gặp không ít khó khăn khi tỷ lệ người tham gia BHYT mấy năm liền không nhích qua được con số 70%. Bởi ngoài những đối tượng bắt buộc, thì đối tượng tham gia BHYT tự nguyện vẫn thờ ơ, trong khi đây là đối tượng chiếm số đông ở cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Chuông, Phó trưởng phòng Hành chính - tổng hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh, BHYT là cần thiết với mọi bệnh nhân, nhưng trên thực tế lại không đủ sức thu hút do người dân chưa hiểu hết được giá trị khi tham gia. Tâm lý nhiều người cho rằng, khi nào có bệnh mua cũng chưa muộn. Mặt khác, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu người bệnh. Dù mức đóng BHYT tuy không quá cao nhưng cũng không phải dễ dàng đối với những hộ có kinh tế khó khăn. Chưa kể do tình trạng quá tải ở bệnh viện các tuyến, thủ tục khám chữa bệnh còn nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề phát sinh trong khám bệnh trái tuyến khiến người dân chưa thấy BHYT là thực sự cần thiết.
* Sẽ không còn bị giới hạn tuyến
Để sớm hoàn thành mục tiêu 80% người dân tham gia BHYT vào năm 2018 và 100% vào năm 2020 thì ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, chủ trương mở thông các tuyến khám bệnh trong tỉnh và trong cả nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT. Đáng kể là bệnh nhân sẽ dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tỉnh Đồng Nai, cho biết: “BHYT là chính sách an sinh xã hội, nhưng tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở Đồng Nai còn thấp, dưới cả mức bình quân cả nước là 71% thì đáng phải suy nghĩ. Để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ngành bảo hiểm xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền những lợi ích của BHYT cho người dân, cải cách thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT. Riêng ngành y tế phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để khi thực hiện BHYT toàn dân, các tuyến khám bệnh được mở thông, cơ sở nào chất lượng hơn sẽ thu hút được người bệnh”. |
Trước đây, tại bệnh viện tuyến huyện bệnh nhân khám bệnh trái tuyến sẽ chỉ được BHYT chi trả 70%, nhưng tới đây (từ 1-1-2016), khi mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT ở tuyến xã và tuyến huyện, người bệnh có thể đến bất cứ trạm y tế hoặc bệnh viện cùng tuyến nào trong toàn tỉnh để khám và điều trị mà không phải trả chi phí trái tuyến. Riêng những người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ được khám chữa bệnh BHYT ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong cả nước vẫn được chi trả BHYT như đi đúng tuyến. Và từ ngày 1-1-2021, sẽ mở thông tuyến khám bệnh trong cả nước đối với toàn dân. Điều đó có nghĩa là khi khám, chữa bệnh, người tham gia BHYT không còn bị giới hạn bất kỳ cơ sở ban đầu nào cùng tuyến.
Biết được thông tin này, ông Trần Văn Cư, 65 tuổi, ngụ ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) đã đăng ký mua BHYT cho mình và vợ. Ông Cư cho biết: “Trước đây tôi không tham gia BHYT vì thủ tục thanh toán rườm rà, mỗi lần khám trái tuyến lại phải trả thêm tiền. Sắp tới, khi tuyến khám bệnh được mở thông, có thẻ BHYT người bệnh có thể đi khám bất cứ bệnh viện nào cùng tuyến trong tỉnh, trong nước. Tôi cho như thế là rất hợp lý. Bởi đã do Nhà nước phát hành thẻ và các cơ sở khám chữa bệnh cũng của Nhà nước thì người dân có quyền khám chữa bệnh ở bất cứ nơi đâu mỗi khi cần”.
Phương Liễu