Thời gian qua, tình trạng tiền giả lén lút lưu hành trên thị trường dù chưa rộ lên nhưng đã không còn là cá biệt. Tuy nhiên, để nhận biết được tiền giả lại không dễ…
Thời gian qua, tình trạng tiền giả lén lút lưu hành trên thị trường dù chưa rộ lên nhưng đã không còn là cá biệt. Tuy nhiên, để nhận biết được tiền giả lại không dễ…
Các đặc điểm bảo an của tiền Việt Nam. Ảnh minh họa |
Hàng ngày, câu chuyện dùng tiền giả để mua hàng hóa luôn là một trong những đề tài mà nhiều tiểu thương tại các chợ, cửa hàng thường xuyên đề cập để cùng nhau cảnh giác.
* Cảnh giác tiền giả
Cách đây không lâu, các tiểu thương tại chợ Biên Hòa luôn tỏ ra nghi ngại mỗi khi khách hàng sử dụng tiền mệnh giá 200 ngàn đồng để mua hàng. Bởi tại thời điểm đó, khá nhiều người đã bị “dính bẫy” của một vài người chuyên dùng tiền giả để mua hàng. Bà M., một tiểu thương chuyên bán các loại bún, bánh tráng tại chợ này, cho biết với mặt hàng bà bán, thường khách chỉ mua không quá 50 ngàn đồng. Do đó, nếu kẻ gian dùng tờ tiền giả 200 ngàn đồng mua hàng thì coi như ngày đó lỗ nặng. “Thời gian qua, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn phát hiện tiền giả mệnh giá 200 ngàn đồng khá nhiều.Vì vậy, cứ thấy ai đưa tờ 200 ngàn đồng là mọi người chuyền tay nhau để kiểm tra. Thực tế, bằng mắt thường thì khó phát hiện tiền giả, song nếu có nhiều người cùng nhận định thì chắc ăn hơn” - bà M. nói.
Theo Phòng điều tra an ninh Công an tỉnh, năm 2013 ngành công an đã phá được 4 vụ sử dụng tiền giả. Trong năm 2014 tuy chỉ có 1 vụ nhưng đây lại là vụ có lượng tiền giả khá lớn, với nhiều mệnh giá khác nhau, cơ quan chức năng đã thu giữ khoảng 400 triệu đồng tiền giả. Trong đó, mệnh giá 200 ngàn đồng là phổ biến nhất. |
Tương tự, bà Th., chủ cửa hàng tạp hóa tại KP.5, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), cho biết đã từng bị gạt bằng tiền giả khi một người phụ nữ đến mua dầu gội đầu nhưng đưa tờ 200 ngàn đồng. Do không chú ý nên bà Th. vẫn bán hàng bình thường. Đến khi giật mình vì sự lơ đãng của mình, bà Th. liền lấy tiền ra xem lại thì đúng là tiền giả vì màu sắc nhợt nhạt và tờ giấy có độ nhám. Theo bà Th., cách tốt nhất để kiểm tra tiền thật hay giả là “soi” thật kỹ. Dù mắt thường khó nhìn được những lỗi của tiền giả, nhưng khi so sánh 2 tờ cùng lúc sẽ dễ thấy sự khác biệt hơn.
* Tuyên truyền về chống tiền giả
Không chỉ tại các chợ và các khu vực, trung tâm giao dịch thương mại mà ngay cả hệ thống ngân hàng cũng là nơi thường xuyên phát hiện tiền giả do khách hàng đem đến.
Các đặc điểm bảo an cơ bản của tiền polymer Việt Nam Các mệnh giá tiền Việt Nam có thiết kế đặc điểm bảo an khác nhau về vị trí, hình dạng. Tuy nhiên, một số kỹ thuật sau có thể được nhận biết: có hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị, yếu tố in lõi (nét in nổi), mực đổi màu - OVI (đối với mệnh giá 100 ngàn đồng, 200 ngàn đồng và 500 ngàn đồng), hình ẩn nổi (mệnh giá 10 ngàn đồng, 20 ngàn đồng, 50 ngàn đồng và 200 ngàn đồng), cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi, cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (mệnh giá 50 ngàn đồng, 100 ngàn đồng, 200 ngàn đồng và 500 ngàn đồng), mảng chữ siêu nhỏ, mực không màu phát quang khi soi dưới đèn cực tím, số seri phát quang khi soi dưới đèn cực tím . |
Bà Trần Thị Mai Liên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, khẳng định tiền giả thỉnh thoảng vẫn “len lỏi” vào ngân hàng, song hệ thống thiết bị tại các đơn vị tiền tệ dễ dàng phát hiện ra. Khi đó, mọi trường hợp sử dụng tiền giả sẽ bị lập biên bản và tịch thu. Không chỉ tiền Việt Nam mà ngay cả ngoại tệ các loại, kẻ xấu vẫn có thể làm giả. Nhiều trường hợp làm tiền giả rất tinh vi, mắt thường khó phân biệt, nhưng với “đôi mắt” của máy kiểm tra thì không tờ tiền giả nào đi “lọt” chung với tiền thật được. Do đó, những chỗ đông người mua sắm; hay những khu vực vùng sâu, vùng xa, người dân ít quan tâm, thiếu kiến thức nhận biết tiền giả; mua sắm vào thời điểm chập tối.... là cơ hội thuận lợi để bọn phát tán tiền giả hoành hành.
Để hạn chế tình trạng tiền giả, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường cung cấp tài liệu, áp phích về các loại tiền Việt Nam và cách nhận biết để người dân có thêm kiến thức về các loại mệnh giá tiền khác nhau. Mới đây, ngoài hệ thống cửa hàng, Ngân hàng Nhà nước còn phát hành tài liệu tuyên truyền đến các địa phương ở vùng sâu, vùng xa để người dân biết và thận trọng khi giao dịch, mua bán, trao đổi bằng tiền.
Ngọc Liên