Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác đá trên đất nông nghiệp

11:08, 26/08/2015

Thời gian gần đây, tại khu đất sản xuất nông nghiệp ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), một nhóm người đã tổ chức khai thác đá với số lượng lớn.

Thời gian gần đây, tại khu đất sản xuất nông nghiệp ở ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), một nhóm người đã tổ chức khai thác đá với số lượng lớn.

Hiện trường khai thác đá trên đất nông nghiệp của bà Phạm Thị M.L. tại ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: N.LIÊN
Hiện trường khai thác đá trên đất nông nghiệp của bà Phạm Thị M.L. tại ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất). Ảnh: N.LIÊN

Điều đáng nói là việc khai thác này được thực hiện công khai cả ngày lẫn đêm nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn.

Mới đây, chúng tôi đến “công trường” khai thác đá này lúc gần trưa. Khi ấy, trên khu đất có 1 xe cuốc và 1 xe tải ben đang làm việc liên tục. Mỗi lần “họng” xe cuốc cắm xuống đất thì từng khối đá lớn bật lên, có những tảng rất to. Tại “công trường”, khu vực rộng khoảng 1,5 hécta nhiều chỗ đất được xới tung lên sâu cả thước; đá khai thác nằm lổm nhổm khắp nơi trông ngổn ngang, nham nhở. Trong khuôn viên “công trường”, có những đống đá chất cao ngút, trải dài hàng chục mét là “thành quả” việc khai thác đá của một số người trong một thời gian dài mà không bị chính quyền địa phương phát hiện, xử lý.

Theo một số người dân tại ấp Nguyễn Huệ 2, tình trạng khai thác đá tại đất của bà Phạm Thị M.L. diễn ra khoảng 5 tháng nay. Đây là khu vực có rất nhiều đá, người dân thường gọi là đá tổ ong. Loại đá này nếu chẻ ra vuông vức dùng trong xây dựng rất tốt. Vài người nhẩm tính, một cục đá chẻ ở các đại lý bán lẻ vật liệu xây dựng khoảng chục ngàn đồng. Như vậy, số lượng đá khai thác trên đất bà L. sẽ là khoản thu lớn cho doanh nghiệp. Người dân địa phương có phản ảnh tình hình này lên xã, đề nghị xem xét việc khai thác đá trên đất nông nghiệp nhưng chẳng hiểu tại sao đến nay vẫn tồn tại.

Khi chúng tôi đến đây, một người đàn ông tên Đ. ra tiếp đón và giới thiệu có liên quan đến chủ đất. Theo ông Đ., đất của bà L. sản xuất nông nghiệp, gần đây đã treo bảng bán nhưng phải đợi khi nào thu gom hết đá thì mới thực hiện được. Ông Đ. thừa nhận, việc cho người khác lấy đá mang đi tiến hành từ tháng 3-2015 đến nay do người bà con chuyên kinh doanh về lĩnh vực xây dựng đến khai thác, vận chuyển. Dự kiến, nếu thu hoạch toàn bộ số đá trên diện tích đất này phải mất hơn 1 năm.        

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình trạng khai thác đá trên đất nông nghiệp tại ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), đại diện Sở Tài nguyên - môi trường cho biết nếu sau khi thu gom đá và vận chuyển đi nơi khác quá 25m3 thì vi phạm về khai thác khoáng sản. Với mức vi phạm này sẽ bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng. Riêng trường hợp khai thác đá ở ấp Nguyễn Huệ 2, Sở sẽ đôn đốc huyện xử lý kịp thời.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết người tổ chức khai thác, vận chuyển số đá lấy được trên đất bà L. là ông Phạm Văn S. Trước đây ông S. là chủ doanh nghiệp khá có tiếng ở khu vực này. Sau đó, ông S. không còn trực tiếp điều hành kinh doanh mà giao lại cho con mình quản lý. Trong việc khai thác đá như trên đã nêu, hàng ngày ông S. điều xe cuốc để móc đá gom thành đống, sau đó đưa xe tải ben tới vận chuyển đi nơi khác.

Ngày 20-7 vừa qua, UBND xã Quang Trung đã đến kiểm tra và tiến hành lập biên bản về việc lấy đá trên đất bà L. do ông S. khai thác. Tại buổi làm việc, ông S. cho biết đá móc từ dưới đất lên dùng vào mục đích xây móng các công trình. Trong biên bản có 2 bên ký nhận, đại diện UBND xã yêu cầu ông S. phải ngưng mọi hoạt động khai thác, vận chuyển đá từ đất của bà L. Tuy nhiên, những ngày qua ông S. vẫn cho xe cơ giới hoạt động mà không bị ai cản trở.

Trao đổi về vấn đề chính quyền địa phương đã buộc ông S. không được tiếp tục lấy đá trên đất nông nghiệp nhưng ông này không chấp hành, Phó chủ tịch UBND xã Quang Trung Bùi Văn Thiện khẳng định đây là việc làm trái phép. “Qua kiểm tra, tại hiện trường có khoảng 1 ngàn m3 đá đã được gom thành đống. Trước đó, số đá vận chuyển đi nơi khác khoảng 35 khối. Việc doanh nghiệp vẫn tự ý khai thác đá, chúng tôi sẽ có văn bản đề xuất UBND huyện hướng xử lý” - ông Thiện nhấn mạnh.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều