Sau hàng loạt thông tin mới đây về một số mỹ phẩm có chứa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, người tiêu dùng hiện đang hoang mang khi lựa chọn những sản phẩm làm đẹp cho mình…
Sau hàng loạt thông tin mới đây về một số mỹ phẩm có chứa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, người tiêu dùng hiện đang hoang mang khi lựa chọn những sản phẩm làm đẹp cho mình…
Đặc biệt, chương trình “Chống buôn lậu hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng” phát sóng trên VTV1 liên tục đưa tin về một số cơ sở ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chế biến sữa tắm trắng bằng hóa chất pha nước, nhưng lại giới thiệu đây là sữa tắm trắng của Malaysia được làm bằng tinh chất sữa dê tươi.
* “Mê hồn trận” sữa tắm dê
Dạo quanh một số chợ ở TP.Biên Hòa, như: Tân Phong, Biên Hòa, Long Bình, Hóa An, chúng tôi được người bán giới thiệu khá nhiều loại sữa tắm dê, từ hàng trong nước đến ngoại nhập đều có.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc do Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện, thu giữ. Ảnh: N.LIÊN |
Tại cửa hàng mỹ phẩm trên đường Hoàng Bá Bích ở KP.5, phường Long Bình (TP.Biên Hòa), nghe chúng tôi ngỏ ý muốn mua loại sữa tắm dê nhập khẩu bà chủ liền giới thiệu sản phẩm có tên Velvy loại 1 ngàn ml với giá 150 ngàn đồng. Theo người bán, đây là sữa tắm cao cấp của Indonesia đang bán rất chạy, tuy nhiên trên sản phẩm lại ghi “made in Malaysia”. Theo giải thích của người này, hàng do Indonesia sản xuất còn Malaysia đóng chai; vì nhập nguyên chai nên chỉ có tiếng Anh chứ không phụ đề tiếng Việt. Thấy chúng tôi ngần ngại, bà chủ tiếp thị thêm: “Hàng tốt lắm, chị mới lấy về chục chai, giờ chỉ còn 2 chai. Em cứ yên tâm dùng sữa tắm này, đảm bảo da rất thơm, trắng bóc và mịn”.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng, Chánh thanh tra Sở Y tế, cho biết Đồng Nai chưa phát hiện những trường hợp sản xuất, chiết xuất, mua bán những loại mỹ phẩm và sữa tắm giả như các cơ quan chức năng ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thu giữ. Thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt các nhà thuốc, các điểm bán mỹ phẩm và những mặt hàng chăm sóc da có chất paraben - một hóa chất độc hại có thể gây ung thư đang được lạm dụng nhiều trong một số loại mỹ phẩm. |
Gần đây, sau hàng loạt vụ việc làm giả mỹ phẩm thương hiệu nước ngoài bị phát hiện, nhiều người mới chú hơn khi mua những mặt hàng làm đẹp cho bản thân. Bà Trần Thị Thanh Mai, ngụ KP.4, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), cho biết trước đây bà thường mua sữa tắm dê nhãn hiệu Snowwhite tại những cửa hàng mỹ phẩm ở chợ Biên Hòa. Sau khi nghe thông tin sữa tắm trắng từ tinh chất sữa dê của Malaysia bị làm giả, bà Mai đã cẩn thận hơn: “Bây giờ tôi không dám mua hàng bày bán tràn lan ngoài chợ nữa. Bởi nghe nói “công nghệ” làm mỹ phẩm giả bây giờ “siêu đẳng” lắm, giả mà như thật nên vào siêu thị mua cho chắc ăn” - bà Mai bộc bạch.
* Tràn lan mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Không chỉ sữa tắm dê, các loại mỹ phẩm khác, như: kem dưỡng da, son môi, phấn trang điểm, các loại thuốc chăm sóc tóc… không rõ nguồn gốc cũng được bày bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, trước vô số mẫu mã, chủng loại mỹ phẩm khá đa dạng hiện được bày bán ở rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ, trong chợ; thậm chí bán dạo nên việc chọn lựa mua đúng hàng chính hãng đối với người tiêu dùng không phải dễ. Đã có không ít trường hợp phụ nữ vì ham rẻ nên mua phải mỹ phẩm dỏm. Do đó, thay vì dùng mỹ phẩm với mục đích để làm đẹp thì nhan sắc lại trở nên… “xuống cấp” với những phản ứng của hóa chất làm da mặt nổi mụn chi chít.
Khách hàng đang lựa chọn sữa tắm trong Vinatex Mart. Ảnh: P.L |
Trao đổi về vấn đề thị trường mỹ phẩm ở TP.Biên Hòa, ông Võ Khắc Như, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai), cho biết những ngày qua cơ quan chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm. Qua đó đã phát hiện 12 vụ vi phạm, thu giữ 4.026 sản phẩm là mỹ phẩm hết hạn sử dụng; các loại mỹ phẩm gồm: son môi, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc… không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng số tiền các cơ sở vi phạm bị xử phạt lên đến 111 triệu đồng. “Mỹ phẩm là mặt hàng dễ bị làm nhái. Những loại này thường không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng bị cạo sửa do giá thành rất rẻ, lại đa dạng mẫu mã nên nhiều người ưa chuộng. Thậm chí loại mỹ phẩm dạng này còn được bán dạo tại khu vực có đông công nhân. Với những vi phạm này nếu ngành chức năng phát hiện, sẽ bị xử phạt rất nặng” - ông Như nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Lê Thị Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện da liễu Đồng Nai, mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc thường kém chất lượng. Trong các loại mỹ phẩm đó có một số thành phần hóa chất độc hại, như: paraben, phthalate, polylene glycol, PEG... rất hại cho da, thậm chí gây ung thư và có hiện tượng dậy thì sớm ở bé gái. Trường hợp khi sử dụng mỹ phẩm mà thấy có những triệu chứng như da bị kích ứng, nóng rát, sưng đỏ hoặc nổi sần thì phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị kịp thời. |
Ngọc Liên - Phương Liễu
x