Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạng xã hội: Cuộc chơi ảo, tác hại thực!

07:07, 14/07/2015

Mới đây, câu chuyện một nữ sinh 15 tuổi ở ấp Đá Bạc, xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) uống thuốc rầy tự tử vì bị bạn trai tung clip sex lên facebook khiến nhiều người suy nghĩ.

Mới đây, câu chuyện một nữ sinh 15 tuổi ở ấp Đá Bạc, xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) uống thuốc rầy tự tử vì bị bạn trai tung clip sex lên facebook khiến nhiều người suy nghĩ.

Sự việc đau lòng này là minh chứng rõ nhất cho những tác động tiêu cực của mạng xã hội lên đời sống, đặc biệt là giới trẻ.

* “Ném đá” vô tư, câu “like” mọi giá

Ngay sau khi đoạn clip trên được bạn trai của A.T. tung lên mạng, chỉ 4 giờ sau đó, đã có trên 5 ngàn lượt thích (like), gần 3 ngàn lượt chia sẻ (share) đường dẫn đến clip. Điều đáng nói là cư dân mạng không chỉ xem mà còn vô tư bình luận (comment) với đủ những lời giễu cợt thiếu văn hóa, xúc phạm đến cay nghiệt. Chịu quá nhiều “gạch đá” dư luận, trên trang facebook cá nhân T. đã van nài mọi người hãy thôi nói về chuyện của em, song cư dân mạng vẫn phấn khích và tiếp tục mỉa mai. Sự “kết án” trên mạng ảo làm một cô bé đang còn ngồi trên ghế nhà trường không chịu nổi áp lực nên trong giây phút bồng bột đã tìm đến cái chết như là một lối thoát.

Ảnh minh họa: Hàng giờ, trên mạng xã hội luôn có những thông tin rất phản cảm.
Ảnh minh họa: Hàng giờ, trên mạng xã hội luôn có những thông tin rất phản cảm.

Đây không phải là vụ tự tử đầu tiên liên quan đến mạng xã hội ảo. Trước đó, một nữ sinh ở Hà Nội tìm đến cái chết vì bị ghép ảnh khỏa thân với một bạn nam; một nữ sinh khác ở Đà Nẵng cũng đã uống thuốc ngủ tự vẫn vì bế tắc và xấu hổ khi bị bạn bè, người yêu bêu rếu trên mạng chỉ với mục đích câu like. Mới đây nhất, vụ ảnh chụp lén tư thế ngủ không đẹp trên máy bay của hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên được tung lên mạng cũng đã khiến hoa hậu này điêu đứng bởi những lời chê bai, bình luận ác ý.

Rõ ràng, những thông tin, hình ảnh, clip xấu được đưa lên mạng, sau đó được nhiều người phát tán tràn lan gây ảnh hưởng lớn đến những nhân vật liên quan vốn là nạn nhân. Chị Trần Ngọc Lan Linh, ngụ phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), bộc bạch: “Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi. Nếu không tỉnh táo, người chơi cũng rất dễ ở vào trạng thái “sống ảo”. Những lời bình phẩm trên facebook, dù cố ý hay vô tình cũng gây ra tác động nhất định. Do không bị kiểm duyệt, nên nhiều người cho mình cái quyền được phán xét, chê trách, thậm chí lăng nhục người khác chỉ để cho vui nên rất tai hại”.

* Phải tự giữ mình

Hiện nay pháp luật dù đã quy định các tội danh cho việc phát tán thông tin lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự người khác, tuy nhiên chỉ khi việc ấy gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý theo Bộ luật Hình sự. Còn việc sử dụng công cụ mạng gây ảnh hưởng, phiền toái cho người khác gần như còn bỏ ngỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai qua điện thoại,  PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: “Facebook gắn kết con người lại với nhau, nhưng cũng đem lại nhiều phiền toái. Việc “ném đá”, phê bình, chỉ trích của cộng đồng mạng rất nguy hiểm, có thể đẩy một số người tìm đến cái chết hoặc khiến cuộc sống của họ phải điêu đứng. Mạng xã hội như con dao 2 lưỡi, vì vậy để giữ an toàn cho mình, người chơi không nên kết bạn với những người không quen biết; không like, không chia sẻ, không comment những điều mình chưa kiểm chứng”.

Đề cập về mạng xã hội, bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, cho biết vụ nữ sinh ở huyện Cẩm Mỹ tự tử vì bị sỉ nhục là một việc đau lòng, song điều đó thuộc về nhận thức và văn hóa ứng xử của mỗi người. Riêng vấn đề bảo mật, bà Nga cho rằng an toàn thông tin cá nhân trên mạng thì pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân… Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, cụ thể để có thể áp dụng vào một số trường hợp trong thực tiễn. Hiện dự thảo Luật An toàn thông tin (đang chờ được Quốc hội thông qua) đã dành hẳn một chương bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trong đó có quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về thông tin trên mạng.

Hiện quy định pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, nhưng mạng xã hội dù là tính kết nối và tương tác cao, nhưng vẫn có những mặt trái. Chính vì vậy, người sử dụng phải biết chọn lựa, biết giữ mình để không biến cuộc sống thực của mình thành cuộc sống ảo.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều