Tuy đã được đầu tư nhiều công trình giao thông nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại những nút giao thông chính tại TP.Biên Hòa, như: nút giao thông Amata, các ngã tư Tam Hiệp, ngã tư Vũng Tàu, Tân Phong, cầu Đồng Nai... vẫn còn xảy ra.
Tuy đã được đầu tư nhiều công trình giao thông nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại những nút giao thông chính tại TP.Biên Hòa, như: nút giao thông Amata, các ngã tư Tam Hiệp, ngã tư Vũng Tàu, Tân Phong, cầu Đồng Nai... vẫn còn xảy ra.
Tại cuộc họp HĐND tỉnh vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông đã được ngành chức năng mổ xẻ và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri
* Vẫn nghẽn vào giờ cao điểm
Tại nút giao thông Amata vào tầm 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng được xem là giờ cao điểm lưu thông với lượng phương tiện từ các hướng đổ về khu công nghiệp rất đông. Những người dân ở khu vực cho biết, từ ngày cầu vượt được đưa vào sử dụng tình trạng ùn tắc vẫn còn diễn ra, nguyên nhân là do việc phân luồng và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại đây chưa hợp lý.
Giao thông tại ngã tư Amata vào giờ cao điểm. Ảnh: K.LIỄU |
Anh Đặng Minh Trung chạy xe ôm, thường xuyên đậu xe đón khách tại khu vực này cho biết, đã 10 ngày qua tình trạng lưu thông tại đây rất lộn xộn vì đèn tín hiệu giao thông không hoạt động. Tại đây, vào giờ cao điểm chỉ cần có một vài chiếc xe container từ khu công nghiệp ra là xảy ra kẹt xe vì hệ thống đèn tại đây được đặt rất gần điểm giao giữa quốc lộ 1 và đường Đồng Khởi. Do khoảng trống tại nút giao cắt quá thu hẹp, cộng với thời gian dừng chờ đèn chưa phù hợp nên các xe thường dồn ở giữa gây ùn tắc.
“Trả lời ý kiến của cử tri tại kỳ họp HĐND lần thứ 14 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc cho biết để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông về lâu dài, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp như triển khai xây dựng đường Điểu Xiển (tuyến từ khu cầu Sập vào ga Hố Nai ra quốc lộ 1) và kết nối tuyến đường này với Khu công nghiệp Amata - Khu Tân cảng ICD - đường Võ Nguyên Giáp - đường Bùi Văn Hòa. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông - vận tải sớm triển khai xây dựng cầu An Hảo; đầu tư hệ thống các tuyến đường kết nối quốc lộ 1K, cầu Bửu Hòa, cầu An Hảo, ngã tư Vũng Tàu; nghiên cứu xây dựng cầu vượt tại nút giao ngã tư Tân Phong...”. |
Tương tự, tại khu vực ngã tư Tân Phong ngày nào cũng vậy, giờ cao điểm là người tham gia giao thông phải nhích từng chút một khi đi qua đây, nhất là vào giờ tan học của Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân. Cứ vào khoảng 16 giờ 30 khi các xe đưa rước học sinh đi qua là giao thông tắc nghẽn trung bình khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Riêng khu vực vòng xoay Tam Hiệp, từ ngày công trình thi công hầm chui được đưa vào sử dụng, tình trạng giao thông đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên do còn một số hạng mục chưa hoàn tất nên cũng gây ảnh hưởng đến lưu thông. Trên nhánh đường từ hướng Bùi Văn Hòa rẽ ra quốc lộ 1 vẫn còn đang xây dựng dang dở với nhiều điểm rào chắn giữa đường nên vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại khu vực ngã tư Vũng Tàu, cầu Đồng Nai...
* Giải pháp khắc phục
Nhận định về tình trạng giao thông trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Điệp cho rằng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm ùn tắc giao thông, nhất là ở TP.Biên Hòa. Nguyên nhân là do tại các nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ dẫn vào TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh, như: ngã tư Amata, Tam Hiệp, Vũng Tàu đồng thời cũng là cổng chính vào các khu công nghiệp đang trong quá trình thi công. Các công trình vừa làm vừa khai thác, mặt bằng hạn chế không đáp ứng tiến độ vừa phải bố trí phương án phân luồng cho xe lưu thông, vừa bố trí mặt bằng thi công nên giao thông bị ảnh hưởng.
Theo ông Điệp, hiện tại tình trạng ùn tắc đã được cải thiện do có sự điều tiết giao thông của cơ quan chức năng trong việc giới hạn các phương tiện lớn khi lưu thông trong nội ô thành phố vào các giờ cao điểm. Sở đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh khảo sát hiện trường và yêu cầu chủ đầu tư tại các nút giao thông thực hiện một số biện pháp: điều chỉnh tín hiệu đèn tại Amata từ 2 pha lên 3 pha và thu hẹp các tiểu đảo, điều chỉnh lại các biển báo, kiến nghị cho xây thêm một đoạn đường song hành về phía tuyến từ ngã tư Amata về Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai dài 700m. Đồng thời, đề nghị Công ty Amata cho đấu nối tuyến đường ở các khu phố 3, 4, 5 (phường Long Bình) từ ngã tư Amata đi qua khu công nghiệp để tránh tình trạng công nhân lưu thông ngược chiều bằng xe máy từ khu công nghiệp qua quốc lộ 1 trong thời gian qua. Tại ngã tư Tam Hiệp, Sở yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công; tại ngã tư Vũng Tàu thì điều chỉnh tín hiệu đèn từ 2 pha lên 3 pha, phân luồng lưu thông ưu tiên cho các hướng đi quốc lộ 51 về TP.Hồ Chí Minh cho phù hợp; bổ sung thêm hệ thống biển báo nhất là các biển báo hướng dẫn làn xe lưu thông hoàn thiện trước 30-7-2015.
“Việc đôn đốc thực hiện giải phóng mặt bằng bàn giao cho các dự án thực hiện đúng hồ sơ thiết kế đã được duyệt, duy trì các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tiếp tục chốt trực tại các nút giao thông, điều chỉnh hệ thống tín hiệu giao thông cho phù hợp với tình hình trong từng thời điểm để khai thác giao thông... là vấn đề mà các cơ quan chức năng đang thực hiện để giảm ùn tắc” - ông Điệp nhấn mạnh.
Kim Liễu