Người dân trồng lúa và nuôi tôm ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) đang như ngồi trên lửa bởi tình trạng cây lúa chết héo hoặc bị lép hạt, tôm cũng bỗng dưng chết hàng loạt.
Người dân trồng lúa và nuôi tôm ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) đang như ngồi trên lửa bởi tình trạng cây lúa chết héo hoặc bị lép hạt, tôm cũng bỗng dưng chết hàng loạt.
Một phần diện tích đất sản xuất ở ấp Vũng Gấm, xã Phước An nay đã chuyển sang trồng cây tràm, còn lại bị bỏ trống. Ảnh: N.LIÊN |
Dạo trước, đối với người trồng lúa ở xã Phước An, vụ đông - xuân (từ khoảng tháng 10 âm lịch năm nay đến tháng 2 âm lịch năm sau) là mùa cho thu hoạch cao nhất trong năm.
* Lúa mất mùa
Thế nhưng, đã 3 năm nay phần lớn diện tích trồng lúa sử dụng nước lấy từ rạch Vũng Gấm về đều không đạt hiệu quả, mà có những hiện tượng cây lúa dần úa vàng rồi chết, một số thửa ruộng lúa có phát triển nhưng èo uột nên hạt lép.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, thiệt hại trong vụ lúa đông - xuân 2014 trên địa bàn xã Phước An với diện tích 65/80 hécta bởi lúa bị cháy lá, hạt lép không thể thu hoạch được. Bên cạnh đó, hơn 18/339 hécta nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nguồn nước làm tôm chết hàng loạt. |
Những mùa vụ qua, một trong số hộ thiệt hại nặng là gia đình ông Nguyễn Văn Giáo, trồng lúa từ nguồn nước ở rạch Vũng Gấm. Vụ đông - xuân năm 2014, nhà ông Giáo mất trắng hơn 2 hécta. Trong khi đó, ruộng lúa ngay cạnh ruộng nhà ông sử dụng nước giếng khoan đã được một mùa bội thu với trên 7 tấn/hécta. “Nhìn hàng xóm thu hoạch lúa chất đống mà xót cho ruộng nhà mình. Lúa ruộng nhà tôi mang cho gà vịt ăn nó cũng chê chứ đừng nói mang đi bán cho ai được” - ông Giáo bộc bạch.
Theo những nông dân giàu kinh nghiệm, có thể do nguồn nước ô nhiễm nên đã làm cho lúa héo dần và chết khô. Đáng kể là đất đang màu đen, gần đây chuyển sang màu trắng bạc - điều mà trước đây chưa từng xảy ra. Dẫn chúng tôi ra khu ruộng đất bạc trắng của mình, nhiều nông dân tỏ vẻ ngao ngán nhưng không biết phải khắc phục như thế nào để sản xuất có hiệu quả trở lại. Thông thường, tháng 6 là thời điểm chuẩn bị cho vụ hè - thu, nhưng đến nay rất nhiều nông dân không chuẩn bị gì để canh tác. Họ nói, không dám lấy nước từ đập Vũng Gấm đưa vào ruộng nữa, bởi nguồn nước không đảm bảo cho lúa phát triển.
* Tôm chết đỏ ao
Không chỉ với ruộng lúa, người nuôi tôm ở xã Phước An cũng lận đận không kém. Đối với quy trình nuôi hải sản thì nguồn nước là vấn đề sống còn, quyết định được hay mất. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây nông dân đã phải “đánh cược” với sự phát triển của nghề nuôi tôm. Bà Châu Ngọc Anh, ngụ ấp Vũng Gấm, cho biết tôm là loài rất nhạy cảm với nguồn nước. Chỉ cần nước không sạch sẽ là tôm có thể chết hàng loạt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Điển hình như vào đầu tháng 5 vừa qua, tôm nuôi của gia đình bà Anh chết đỏ mặt ao.
Nông dân trồng hoa màu đang lo lắng nếu diện tích trồng cây tràm tăng lên sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất cây ngắn ngày. |
Theo bà Anh, tình trạng tôm chết bất thường xảy ra thường xuyên ở xã Phước An đã làm nông dân đứng ngồi không yên. Nhiều gia đình đứng trước nguy cơ trắng tay nên đã làm đơn nhờ chính quyền địa phương kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ người nuôi tôm. Thời gian qua, một số đoàn khảo sát có về kiểm tra thực tế, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận vì sao tôm chết và hướng giải quyết về vấn đề này như thế nào. Lạ ở chỗ, những hộ nuôi tôm không sử dụng nước từ rạch Vũng Gấm thì ít bị hiện tượng tôm chết, vì vậy nông dân đặt câu hỏi có phải nguồn nước là nguyên nhân vì sao tôm chết hàng loạt? Vì chưa được giải thích cặn kẽ nên dân nuôi tôm ở Phước An vẫn đang ngày ngày thấp thỏm. Đây là tâm trạng bất an, hoang mang của người dân xã Phước An khi nói về nghề nuôi tôm thời gian qua có những rủi ro chưa được làm rõ.
* Nguồn nước không phù hợp sản xuất
Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, tổng diện tích trồng lúa và nuôi trồng thủy sản tại xã Phước An gần 420 hécta. Nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều được lấy từ rạch Vũng Gấm. Rạch Vũng Gấm có diện tích bề mặt rộng trên 1 hécta, sâu từ 3-3,5m, là khu vực địa hình cao, nước từ sông không vào được. Để nguồn nước tập trung, nơi đây được xây dựng hồ trữ, phục vụ tưới cho cánh đồng Vũng Gấm vào mùa khô. Nguồn nước đưa về đây chủ yếu từ nước thải của Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 và nước mưa từ trên rừng đổ về.
Đất ruộng ở xã Phước An gần đây chuyển sang màu trắng nên trồng lúa không phát triển. |
Sau khi nhận được kiến nghị của người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân mất mùa lúa và tôm nuôi chết, các ngành chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra. Kết quả cho thấy, nguồn nước thải của Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 đạt chuẩn nhưng lại không phù hợp cho trồng lúa, nuôi tôm. Đây chính là vấn đề cần phải phân tích rõ để có hướng giải quyết, xử lý kịp thời.
Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Nhơn Trạch vừa có văn bản kiến nghị UBND huyện làm việc với các sở, ngành liên quan đề nghị tiến hành thi công hệ thống cống ngầm để dẫn nước thải sau xử lý từ ngoài tường rào Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 ra sông Đồng Tranh. Đồng thời, thuê chuyên gia đánh giá chất lượng nguồn nước ở ấp Vũng Gấm, xã Phước An nhằm đưa ra giải pháp phù hợp để nông dân tiến hành đầu tư sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả. |
Một điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều hộ dân ở Phước An bị thiệt hại về lúa đã chuyển sang trồng cây tràm. Xu hướng này đang có dấu hiệu tăng lên mỗi ngày, nếu điều này cứ tiếp tục diễn ra sẽ làm những thửa ruộng xung quanh bị ảnh hưởng nguồn nước. Đặc biệt, khi diện tích trồng lúa bị giảm mạnh mà diện tích trồng tràm tăng lên thì cánh đồng lúa Vũng Gấm có nguy cơ bị xóa sổ.
Ngọc Liên