Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu các hoạt động văn hóa cộng đồng

11:06, 01/06/2015

Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư một số điểm sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương vẫn chưa tổ chức những hoạt động có giá trị tinh thần đúng nghĩa để người dân được hưởng thụ...

 

Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư một số điểm sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương vẫn chưa tổ chức những hoạt động có giá trị tinh thần đúng nghĩa để người dân được hưởng thụ...

Cơ sở của Trung tâm văn hóa tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu để tổ chức các hoạt động, vui chơi tại chỗ.  Ảnh: N.LIÊN
Cơ sở của Trung tâm văn hóa tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu để tổ chức các hoạt động, vui chơi tại chỗ. Ảnh: N.LIÊN

Nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng ở các phường, xã trong tỉnh hiện nay hầu như dùng để hội họp là chính. Trong khi đó, những hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể cho thanh thiếu niên lại ít khi được tổ chức.

* Vắng khu vui chơi, sinh hoạt tập thể

Hàng năm, vào mỗi kỳ nghỉ hè là chị Trần Thị Huệ, ngụ xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), lại loay hoay tìm chỗ học thêm cho đứa con trai học THCS. Cháu Nguyễn Thanh Hòa, con chị Huệ, thích học những môn năng khiếu, như: bóng đá, bóng rổ. Chị Huệ cho biết, nếu không cho đi học thêm thì 2 tháng hè không biết con chị sẽ làm gì. Đối với những môn năng khiếu phù hợp sở thích của con chị Huệ thì ở quanh khu vực không có nên ngoài giờ đi học hè, cháu chỉ lủi thủi ở nhà.

Hầu hết con em ngụ cùng xã này đều trải qua mùa hè khá buồn tẻ. Những gia đình khó khăn thì hè là dịp để các em phụ gia đình mưu sinh; con nhà khá giả hơn cũng chỉ biết chơi quanh quẩn trong khu dân cư. Tại các địa phương hiện nay, việc tận dụng và phát huy công dụng của nhà văn hóa hay các trung tâm học tập cộng đồng chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương có cơ sở khang trang cũng không thể tổ chức các hoạt động bởi thiếu nhân sự và kinh phí để duy trì các lớp học năng khiếu hay tổ chức sinh hoạt định kỳ cho thanh thiếu niên đến vui chơi.

Tình trạng trên không chỉ có ở nông thôn, mà ngay tại TP.Biên Hòa và TX.Long Khánh cũng cùng cảnh ngộ. Anh Trương Văn Khiêm, ngụ tại KP.2, phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Mỗi dịp hè về, tôi lại vất vả hơn bởi hàng ngày phải dành thời gian đưa đón con gái 8 tuổi đến Nhà thiếu nhi Đồng Nai để học các môn năng khiếu. Vì ở khu vực phường Long Bình Tân không có những lớp năng khiếu hay những câu lạc bộ cho trẻ em tập trung sinh hoạt nên nhiều gia đình, cha mẹ phải mất thời gian đưa đón con đi xa cả chục cây số”.

* Còn nhiều hạn chế

Thực ra, một số địa phương lâu nay có hoạt động phong trào tương đối tốt, một phần là do lãnh đạo nơi đó biết tận dụng mượn địa điểm sinh hoạt tại những cơ sở tư nhân. Nhưng có lẽ do cách tổ chức chưa sinh động lắm nên chưa thu hút đông đảo người tham gia, từ đó không thể duy trì thành phong trào thường xuyên.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTT-DL), cho biết hiện nay các trung tâm văn hóa trong tỉnh còn hạn chế về công tác tổ chức những hoạt động vui chơi để thu hút mọi đối tượng tham gia. Một số huyện, như: Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc, TX.Long Khánh… hoạt động tương đối tốt, còn những huyện khác do điều kiện kinh tế khó khăn nên hoạt động văn hóa chưa hiệu quả. Hiện Sở VHTT-DL đang xây dựng quy hoạch ngành về lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - gia đình giai đoạn 2015-2020. Đây sẽ là cơ sở hoạch định cụ thể về địa điểm, nguồn kinh phí, nguồn nhân lực cho các trung tâm, nhà văn hóa duy trì hoạt động hữu ích. Hiện dự thảo quy hoạch đang chờ ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng thẩm định. Sau khi được UBND tỉnh thông qua, Sở VHTT-DL sẽ đề ra kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn. Theo đó, hệ thống các trung tâm văn hóa sẽ có sự phát triển và hoạt động đồng bộ trong toàn tỉnh.

Trao đổi về vấn đề này ở địa phương mình, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Ngô Sỹ Bảng khẳng định, phần lớn thị trấn và các xã trong huyện đều đã có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng. Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa hữu ích còn hạn chế, thậm chí không có. Vì thế, hiện tại một số nơi chỉ thu hút số ít người lớn tham gia vài hoạt động không thường xuyên như hội họp. Theo ông Bảng, muốn duy trì được các hoạt động thu hút nhiều tầng lớp nhân dân đến hưởng ứng thì phải có nguồn tài chính nhất định từ tỉnh cấp xuống cơ sở. Từ đó, nhà văn hóa hay trung tâm học tập cộng đồng mới có điều kiện thực hiện một cách đồng bộ, không tổ chức lẻ mẻ như hiện nay.

Tương tự, Trung tâm văn hóa tỉnh là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ sở xứng tầm. Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trung tâm văn hóa tỉnh Trần Thị Phục cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp. Thời gian qua, mọi tổ chức hoạt động của trung tâm đều phải phối hợp với các đơn vị khác nên đôi khi chưa chủ động được cách làm phù hợp để đạt hiệu quả. Hơn nữa, trung tâm lại nằm ở phường Tân Biên, vị trí không thuận lợi trong việc thu hút mọi người đến hưởng ứng phong trào, tham gia vào các hoạt động cộng đồng.

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều