Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt. Trong đó, một số vụ xảy ra ở khu vực có các đường ngang bất hợp pháp (đường ngang dân sinh) do người dân tự mở...
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt. Trong đó, một số vụ xảy ra ở khu vực có các đường ngang bất hợp pháp (đường ngang dân sinh) do người dân tự mở...
Do không được trang bị các hệ thống bảo vệ, như: gác chắn, hệ thống biển báo, đèn cảnh báo tự động nên những con đường này trở thành ẩn họa về tai nạn
giao thông.
* Mở đường ngang vô tội vạ
Đường sắt chạy qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài 89km (từ km1614 đến 1703), gồm 8 ga. Ngoài 56 đường ngang hợp pháp (trong đó 32 đường ngang có gác chắn, biển báo; 24 đường ngang có lắp đặt biển cảnh báo tự động) còn có hơn 60 đường ngang dân sinh hiện đang được người dân sử dụng.
Đường ngang dân sinh tại km1689+500, thuộc KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa lúc nào cũng có người qua lại. Ảnh: K.Liễu |
Theo thống kê mới nhất của Ban An toàn giao thông tỉnh, địa bàn có nhiều đường ngang dân sinh nhiều nhất là TP.Biên Hòa (14 đường), kế đến là huyện Trảng Bom (13 đường). Riêng, TP.Biên Hòa do mật độ dân cư đông nên ở những điểm có đường sắt đi qua khu dân cư thì việc mở đường ngang bất hợp pháp trở nên khá phổ biến. Điển hình như tại xã Hóa An, có 6 đường ngang thì có 5 đường ngang dân sinh. Thậm chí tại km1702+400, 3 hộ dân ở gần đường ray đã tự ý mở 3 đường ngang cách nhau khoảng 20m để đi vào nhà mình. Hay như trên tuyến đường sắt đoạn giáp ranh giữa phường Long Bình và phường Tân Biên dài chưa tới 1km đã có tới 4 đường ngang do dân tự làm với lượng người và xe 2 bánh qua lại rất tấp nập.
Ông Trần Hữu Tiếp, một trong những hộ dân ở gần đường ngang ở km1689+500 (KP.8, phường Long Bình), cho biết mỗi ngày tại đây có mấy ngàn lượt người qua lại. Hầu hết là công nhân ở phường Tân Biên, Hố Nai đi qua đây để vào Khu công nghiệp Amata. Theo ông Tiếp, nếu đi từ đường quốc lộ 1 đến ngã tư Amata để vào khu công nghiệp thì đoạn đường xa hơn cả chục cây số; trong khi tận dụng đường ngang này sẽ rút ngắn hơn ¾ quãng đường. Mặt khác, đi đường tắt này không bị kẹt xe lại đỡ tốn xăng nên nhiều người chọn cách đi qua đường ngang vừa nhanh. Đây cũng là cách biện minh mà những người tự mở đường ngang bất hợp pháp thường nói, bất chấp việc có đảm bảo an toàn hay không.
* Tai nạn chực chờ…
Để đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang dân sinh, cơ quan chức năng đã gắn biển báo chú ý tàu hỏa, thậm chí xây cột bê tông cốt thép để rào lại. Tuy nhiên, khi ngành chức năng đi khỏi thì tường rào cũng bị người dân xô ngã và lấy luôn cột này làm cầu bắc lên đường sắt để tiếp tục đi qua.
Trong quý I-2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 2 người chết, 4 người bị thương. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra tại điểm giao giữa đường dân sinh Yên Thế với đường sắt Bắc - Nam, thuộc km1684+800, đoạn qua ấp Thái Hòa, xã Hố Nai (huyện Trảng Bom). Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hỏng phương tiện và tuyến đường sắt bị tê liệt hơn 3 giờ. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt thì ngoài việc xử lý, sắp xếp và bố trí lại đường ngang dân sinh một cách hợp lý thì ngành đường sắt và các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng hành lang an toàn đường sắt để làm nhà, kinh doanh, nhất là tại các điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ. |
Do hầu hết các đường ngang dân sinh đều không được lắp đặt đầy đủ hệ thống phòng vệ, tầm nhìn không được thông thoáng do bị cây cối, các công trình dân dụng che khuất nên tai nạn rất dễ xảy ra. Tuyến đường sắt đi qua địa bàn giáp ranh thuộc xã Hố Nai (huyện Trảng Bom) và phường Tân Biên, Long Bình (TP.Biên Hòa) là những địa phương có nhiều đường ngang được xem là “điểm đen” về tai nạn giao thông.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông quý I-2015 tổ chức tại Đồng Nai, đại diện Công ty quản lý đường sắt Sài Gòn cho rằng để hạn chế tai nạn, các cơ quan chức năng của tỉnh nên hỗ trợ ngành đường sắt tổ chức gác chắn hoặc cảnh giới tại 8/60 vị trí đường ngang dân sinh có nguy cơ xảy ra tai nạn. Cụ thể: 5 vị trí ở TP.Biên Hòa, 1 tại huyện Trảng Bom và 2 vị trí TX.Long Khánh. Đồng thời, tiến hành giải tỏa việc người dân họp chợ tại đường ngang gần đường sắt km 1684+780 thuộc xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, sớm cắm biển báo lưu thông một chiều đoạn đường này để tránh xung đột giao thông giữa đường sắt và đường bộ.
Kim Liễu